Tương tác, trao đổi hai chiều

18/11/2016 13:02 GMT+7

Trong nhiều chia sẻ thật lòng, sinh viên (SV) mong muốn được học với các thầy cô có phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm.

Theo Minh Trí, SV Trường ĐH Sài Gòn, môi trường ĐH hiện nay vẫn còn tạo sức ì lớn, chưa phát huy được năng lực cho cả thầy lẫn trò. “Giảng viên dạy quá nhiều, chưa dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Việc dạy quá nhiều cũng gây ra nhàm chán trong từng tiết học, khiến thầy cô không còn hứng thú, nhiệt huyết trên bục giảng”, Trí nhận định.
Về phương pháp dạy học, Trí cho biết mong muốn giảng viên sẽ áp dụng cách dạy và học hiện đại để giờ học trở thành buổi trao đổi, thảo luận các đề tài đã nghiên cứu trước, phát huy tối đa tính độc lập, tự chủ, sáng tạo cho SV. Theo Minh Trí, đa phần thầy cô hiện vẫn giảng dạy theo kiểu một chiều. Dù lớp học không đơn thuần thầy đọc trò chép mà thay vào đó bằng thuyết trình, thảo luận, nhưng việc tổ chức lớp theo mô hình mới chưa thực sự hiệu quả, cách giảng bài vẫn còn áp đặt và không có sự trao đổi hai chiều.
“Mình mong muốn được học trong môi trường mà người học được là trung tâm thực sự, thay vì thầy cô giảng SV nghe thì SV sẽ là người trình bày vấn đề đã nghiên cứu, các SV khác phản biện và giảng viên định hướng và chốt lại”, Trí cho biết.
Trong khi đó H.T.H, SV Trường ĐH Thương mại, nói: “Có những môn học giảng viên dạy quá nhanh và chưa quan tâm tới sự tiếp nhận của học trò”. SV này mong muốn có những giờ học thực sự hiệu quả, giảng viên tận tình, gần gũi và hết lòng với SV.
Còn Nguyễn Trần Bá Lâm, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, có cảm nhận thầy cô chưa có nhiều tương tác với SV sau giờ học. Theo Lâm, ngay cô chủ nhiệm mỗi học kỳ chỉ gặp mặt một lần nên khoảng cách quá xa. Lâm mong muốn thầy cô ngoài vai trò truyền thụ kiến thức, còn có thể là bạn bè, người đi trước chia sẻ thêm những vấn đề khác trong cuộc sống.
Về phía phụ huynh, nhiều người mong chờ giáo viên tiểu học có tính nhẫn nại. Sự nhẫn nại này có thể chỉ đơn giản trong việc giải thích những câu hỏi miên man, thậm chí ngớ ngẩn của HS. Hãy để HS có nhiều cơ hội đặt câu hỏi, tranh luận chứ không phải dạy học trò thuộc lòng bài học theo giáo trình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.