|
Theo người dân địa phương, bức tượng Hưng Đạo vương có từ trước năm 1975. Ngoài tượng Trần Hưng Đạo đeo gươm, đứng chỉ tay về phía bờ sông, hai bên còn có 2 khẩu súng thần công và cạnh bờ sông có ngôi nhà lợp ngói rất đẹp, gọi là “nhà 9 nóc”. Sau năm 1975, “nhà 9 nóc” được tỉnh sử dụng làm nơi tiếp khách và hội họp, sau đó khu vực này được cải tạo lại, xây thêm nhà hàng, khách sạn và giao cho Công ty TNHH Chương Dương quản lý. Cũng từ đó, 2 khẩu súng thần công được di chuyển đến Bảo tàng Tiền Giang, còn tượng Hưng Đạo vương thì bị xoay lại 180 độ, quay mặt về hướng bắc, đối diện với khu nhà làm việc của tỉnh ủy. Nay khu nhà làm việc của tỉnh ủy đang được sửa chữa lại thì người ta thấy tượng Hưng Đạo vương được xoay về hướng khác.
|
Ông Nguyễn Công Trung, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết: “Trước giải phóng, bức tượng này quay ra hướng sông Tiền. Đến khoảng năm 1979, khi hội trường Chương Dương được sửa chữa thì mấy ổng nói phải xoay bức tượng lại, vì nếu để... day đít vô (khu nhà làm việc của tỉnh ủy -PV) thì kỳ. Vì vậy, lúc đó bức tượng được quay ngược về đường 30.4. Bây giờ có ý kiến của mấy vị cán bộ hưu trí nói Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng, đường thủy, vì vậy phải quay ra hướng bờ sông. Sẵn dịp đang sửa lại “nhà 9 nóc” nên mình xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông như cũ. Việc này không liên quan gì đến chuyện mê tín như bức tượng chỉ tay ra, chỉ tay vô gì cả”.
Tương tự, ông Đoàn Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH Chương Dương, giải thích: “Bây giờ nhiều người nói như vậy (tượng quay mặt ra đường - NV) là không đúng với lịch sử, vì ngày xưa Trần Hưng Đạo chỉ huy đánh trên sông. Vì vậy, chúng tôi xin ý kiến xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông, chớ không liên quan gì đến chuyện phong thủy”. Cũng theo ông Lập, xoay bức tượng hướng ra sông “nhưng cũng xéo xéo một chút qua hướng tây nam chừng 15 độ, vì nếu xoay trực diện ra sông thì sẽ... đưa đít thẳng qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy”.
Hoàng Phương
Bình luận (0)