Tôi “gặp” bông điên điển lần đầu trong thơ Thanh Thảo: Bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi/ Là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay.
>> Tương tư cà đắng Tây Nguyên
>> Ngày mưa thèm gỏi cà đắng cá cơm... Tây Nguyên
Lần thứ hai, tôi gặp bạt ngàn bông điên điển trên… mạng. Và lần thứ ba, là lần này đây, tôi được vốc trên tay mớ bông điên điển từ thằng cháu đi công chuyện trong Tiền Giang ca na cúm núm mang về.
Vậy là, từ bông điên điển “vàng nóng hổi” trong thơ ca, vàng thanh thoát và lãng đãng trong những khuôn hình trên Wikipedia đến bông điên điển vàng ngon mắt trong ẩm thực, với tôi, phải mất nhiều năm.
|
Thằng cháu mới “hành phương Nam” một chuyến mà như dân Nam bộ chính hiệu. Nó nói trời ơi, bông điên điển làm món gì cũng ngon hết chú ơi. Từ bánh xèo, kho với cá, làm lẩu, tới nấu canh chua… hễ món nào có bông điên điển là y như rằng món đó đậm đà hương vị đất phương Nam.
Gì thì gì cũng phải từ từ cái đã, đừng để mấy món thắng cháu kể nó làm rối, em cứ nấu nồi canh như canh rau má ở quê mình vậy, coi thử ra sao - tôi nói với bà xã. Và chiều nay, chỉ với nửa lạng thịt bò, món canh bông điên điển khiến gia đình nhỏ của tôi ai cũng có cảm giác háo hức thưởng thức vì mới lạ. Không lạ sao được khi hồi nào tới giờ chỉ quen bông bí, bông bầu, bông thiên lý… nay bỗng dưng có nồi canh vàng thắm bông điên điển, thứ bông chỉ nở vào mùa nước nổi trên mênh mang sông rạch miền Tây.
Khi con gái tôi thốt lên: “Canh bông điên điển coi bộ… lãng mạn quá”, tôi bỗng buồn cười, bởi đó là lần đầu tiên tôi nghe từ “lãng mạn” được dùng để khen nồi canh. Cũng có thể đây là cách nó ủng hộ câu mà nó thường hay nói mỗi khi vào bếp: “Tình yêu nào mà chẳng đi qua dạ dày. Ăn cái đã”.
Mềm mại, ngọt ngào, thơm thơm, phảng phất chút nhân nhẫn, như thể vị đắng của cọng rau má mà ta ăn sống, là cảm nhận của tôi khi ăn đũa bông điên điển đầu tiên. Nhai kỹ hơn sẽ nghe vị the the váng vất trên đầu lưỡi. Chút giòn giòn nơi cuống bông cho ta cảm giác tươi tắn, mới mẻ, cứ như là bông này vừa được hái và ta bất giác đưa lên miệng cắn vu vơ.
Hương liệu từ bông điên điển nhẹ nhàng thấm sang miếng thịt bò khiến “hắn” có vẻ lạ lẫm; cũng mềm, cũng thơm như mọi khi nhưng thoang thoảng chút gì êm êm, hình như vị sông nước phù sa thì phải!
Bà xã tôi kể, cháu nó nói nó phải mua góp hai ba chỗ mới được mấy ký bông điên điển đó anh à. Tôi hơi chột dạ. Kiểu này ăn hết rồi chắc sẽ ngồi… tương tư bông điên điển cho mà coi.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)