Tuyên án đường dây làm giả 42 'giấy tâm thần' giúp nhiều phạm nhân bỏ trốn

23/06/2021 19:23 GMT+7

Các bị cáo đã làm giả 42 tài liệu trong hồ sơ bệnh án tâm thần để giúp cho 7 phạm nhân trở thành người bệnh để được đi chữa bệnh bắt buộc.

Ngày 23.6, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Vì Thị Hiếu (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) 5 năm tù, Hoàng Văn Sứng (ngụ H.Phủ Cừ, Hưng Yên) 4 năm tù; Ngô Việt Dũng (ngụ H.Thanh Ba, Phú Thọ) 24 tháng tù, cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Một bị cáo khác trong vụ án này là Tăng Văn Tuấn (ngụ Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo truy tố, từ năm 2017 đến tháng 6.2019, để giúp các phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm và Trại giam số 5 Bộ Công an, Nguyễn Thị Mai Anh (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã chỉ đạo Vi Thị Hiếu và thuê Hoàng Văn Sứng làm giả một số giấy tờ, tài liệu theo phương pháp: sử dụng máy in màu, máy photocoppy in, sao chụp dấu vào văn bản để làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước liên quan đến tình trạng sức khỏe của 2 bị án đang chờ xét xử phúc thẩm.
Các bị cáo này cũng làm giả các tài liệu khác như: giám định tâm thần, các kết luận giám định, biên bản giám định pháp y tâm thần, các công văn, giấy giới thiệu của các cơ quan nhà nước để lập ra các hồ sơ giám định pháp y tâm thần, ra quyết định chữa bệnh bắt buộc cho 7 phạm nhân khác. Đồng thời,  làm giả các bản nhận xét của người nhà, hàng xóm của phạm nhân về sức khỏe tâm thần.
Tổng cộng, các bị cáo Vi Thị Hiếu và Hoàng Văn Sứng đã làm giả 42 tài liệu liên quan việc giám định tâm thần của các cơ quan, tổ chức.
Cũng theo chỉ đạo của Nguyễn Thị Mai Anh, bị cáo Ngô Việt Dũng đã đi công chứng giấy tờ tùy thân để giúp các bị cáo khác trong vụ án lấy mẫu dấu để làm giả. Bị cáo Dũng còn viết các giấy nhận xét với tư cách là hàng xóm của các trường hợp làm hồ sơ bệnh án tâm thần, đồng thời 4 tài liệu giả đi công chứng tại UBND P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Bị cáo Tăng Văn Tuấn có 3 lần nhận là cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa đến Viện Pháp y tâm thần T.Ư để thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan bệnh án của phạm nhân, giúp các bị cáo Hiếu, Sứng làm giả.
Tài liệu giả sau đó được chuyển tới TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm, Trại giam số 5 để TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang thụ án tù.
Từ các tài liệu giả nêu trên, đã có 6 phạm nhân lợi dụng việc đi chữa bệnh để bỏ trốn gồm Phùng Anh Thái (can tội giết người, án 29 năm tù), Trịnh Hoàng Lan (can tội giết người, án 18 năm tù), Nguyễn Quốc Khánh (can tội đưa hối lộ, tổ chức đánh bạc, đánh bạc với án 27 năm 9 tháng 2 ngày tù), Phạm Văn Kiên (can tội vận chuyển trái phép ma túy, án tù chung thân), Lê Hoàng Châu (can tội tàng trữ trái phép ma túy, án 15 năm tù) và Trần Thế Phúc (can tội chống người thi hành công vụ, án 42 tháng tù).

Có trách nhiệm của cán bộ tòa án, trại giam

Đặc biệt, có 2 phạm nhân sau khi bỏ trốn lại tiếp tục phạm tội nghiêm trọng trở lên. Số này gồm, Phạm Văn Kiên bị lĩnh án về ma túy lại tiếp tục phạm tội vận chuyển trép ma túy; kẻ giết người Phùng Anh Thái bỏ trốn năm 2019, sau đó phạm tội đánh bạc, bị công an bắt giữ.
Trong số 6 người bỏ trốn nói trên, đến nay chỉ còn Lê Hoàng Châu chưa bị bắt và cũng chưa về trại giam thi hành án.
Đáng chú ý, trong vụ án này, kẻ cầm đầu đường dây làm giả các tài liệu tâm thần được cơ quan tố tụng xác định rõ là Nguyễn Thị Mai Anh nhưng đối tượng này được xác định bị tâm thần rối loạn lưỡng cực, chỉ định phải đi chữa bệnh bắt buộc và được cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Bản thân Nguyễn Thị Mai Anh là đối tượng bị nhiều cơ quan tố tụng khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng được xác định là mắc bệnh tâm thần. Năm 2016, khi đi chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư, Nguyễn Thị Mai Anh bỏ trốn rồi tổ chức đường dây làm giả tài liệu.
Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cho rằng còn có trách nhiệm của một số cán bộ thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa, Viện Pháp y tâm thần T.Ư và một số trại giam nên đã tách vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.