Tuyến cáp biển thứ 5 gặp sự cố, người dùng Internet bị ảnh hưởng như thế nào?

21/02/2023 17:10 GMT+7

Sáng 21.2, tuyến cáp quang biển của Việt Nam là SMW3 bị sự cố trong khi 4 tuyến cáp trước đó vẫn chưa khắc phục xong.

Sau khi tuyến cáp quang biển SMW3 gặp sự cố, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết chất lượng Internet của VNPT không bị ảnh hưởng do đây là tuyến cáp cũ, dự kiến sắp dừng hoạt động và VNPT không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định. Đại diện Viettel cũng khẳng định sự cố đã được khắc phục xong và chất lượng truy cập Internet của khách hàng không bị ảnh hưởng. 

Tuyến cáp biển thứ 5 gặp sự cố, người dùng Internet bị ảnh hưởng như thế nào? - Ảnh 1.

Chất lượng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam nhiều lúc còn chậm khi các tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố

CAO AN BIÊN

Trước đó, liên tục 4 tuyến cáp quang biển khác của Việt Nam đã gặp sự cố và vẫn chưa khắc phục xong. Đó là tuyến cáp AAG lần lượt gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hồng Kông; Tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố trên nhánh S1H.1  làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông trên tuyến này; Tuyến APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hồng Kông và S9 hướng kết nối đi Singapore vào cuối 2022 và đầu 2023. Đến ngày 28.1, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến cáp biển IA kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore.

Theo dự kiến, tới cuối tháng 2 tuyến cáp biển APG sẽ hoàn thành sửa chữa. Còn lịch cụ thể khắc phục sự cố của các tuyến cáp còn lại đến nay vẫn chưa thể xác định.

Sự cố cùng lúc trên cả 4 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng truy cập Internet trong nước. Vì vậy ngày 9.2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế. Các nhà mạng cam kết mở thêm kênh kết nối trên đất liền để đảm bảo dung lượng từ Việt Nam ra quốc tế. Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp chia sẻ dung lượng quốc tế cho nhau khi nhiều tuyến cáp quang biển gặp sự cố.

Vì vậy, hiện truy cập Internet của người dùng không còn bị nghẽn nhưng vẫn có thể bị chậm vào giờ cao điểm khi các tuyến cáp nói trên vẫn chưa sửa xong.

Đại diện VNPT cho biết thêm, từ 18.2, VNPT đã bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Campuchia/Thái Lan đến Singapore và qua Trung Quốc đến Hồng Kông, do vậy chất lượng truy cập Internet quốc tế của các khách hàng VNPT cơ bản được đảm bảo.

Ngoài 5 tuyến cáp quang biển đang sử dụng nêu trên, hiện VNPT đang xây dựng tuyến cáp  SJC 2  kết nối Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023, bổ sung thêm 18Tbps lưu lượng quốc tế cho người dùng tại Việt Nam. Song song đó, Viettel đang đầu tư tuyến cáp quang biển ADC cũng có dung lượng 18Tbps. Như vậy, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có 7 tuyến cáp quang biển.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.