Tuyển Colombia 'cục mịch' vì vắng James Rodriguez

21/06/2021 11:55 GMT+7

Tuyển Colombia vừa trải qua trận đấu thứ ba tại Copa America 2021. Sau trận thắng sát nút 1-0 trước Ecuador và hòa chật vật 0-0 trước Venezuela thì trận thua 1-2 trước tuyển Peru đã phơi bày “ bộ mặt” một Colombia bế tắc, thiếu sinh khí.

 
 
Trước giờ khai diễn Copa Ameria 2021, khi Ban huấn luyện Colombia công bố thành phần tham dự không có James Rodriguez ( một tên tuổi lớn của bóng đá nước này trong 10 năm qua), không ít cổ động viên cảm thấy “sốc”. Bản thân James, cầu thủ đang chơi cho Everton ở Premier League cũng cảm thấy “ hụt hẫng”. Bởi lẽ dù giai đoạn cuối mùa giải Ngoại Hạng Anh, anh bị dính chấn thương, không đóng góp nhiều cho Everton nhưng HLV Carlo Ancelotti cũng tạo điều kiện để anh dưỡng thương, nhằm chuẩn bị cùng tuyển Colombia “chinh chiến” tại Copa America 2021. Thế nhưng việc HLV Reinaldo Rueda “gạt phăng” James thông qua đánh giá từ bộ phận y tế của đội đã khiến anh trở thành “ khán giả” bất đắc dĩ ở sân chơi lần này.
Việc loại bỏ “ Vua phá lưới” của World Cup 2014 của HLV Reinaldo Rueda đã gây cảm xúc trái chiều. Có luồng dư luận đồng tình với cách làm của ông vì muốn đội tuyển nước này trở thành một tập thể đồng đều, tránh phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc làm của cựu HLV tuyển Chi Lê là “ sự phũ phàng” quá sớm với “James bond” khi mà Colombia chưa thật sự lớn mạnh như ở giai đoạn 2011-2016 ( thời điểm tuyển Colombia 2 lần vào Tứ kết , một lần giành hạng Ba Copa America và đặc biệt là lần đầu tiên lọt vào Tứ kết kỳ World Cup 2014)
Bây giờ thì những lo ngại về việc vắng một thủ lĩnh thật sự trong đội hình tuyển Colombia đã trở thành hiện thực sau 3 trận đấu tại Copa America lần này.

Hinh ảnh gây thất vọng của tuyển Colombia

AFP

Ở ngày ra quân gặp Ecuador, đối thủ mà Colombia đã thắng 8/10 lần gặp gỡ gần đây thì các học trò của HLV Reinado Rueda bị lép vế về thế trận nhưng lại may mắn ghi được bàn thắng duy nhất từ tình huống cố định. Ở trận đấu ấy, tất cả các chỉ số về kiểm soát bóng, số lần sút bóng, số lần phạt góc...Colombia đều kém so với đối thủ. Người ta có thể thông cảm với ông Reinado Rueda vì sự thận trọng cần thiết, nhất là đội bóng của ông đã từng để thua Ecuador với tỷ số một ván tenis ( 1-6) ở lần chạm trán tháng 11 năm ngoái tại vòng loại World Cup. Thậm chí, ông còn cất cặp tiền đạo số một của CLB Atalanta ( CLB về thứ ba của giải Serie A mùa vừa qua) trên băng ghế dự bị. Sau đó ông chỉ tung họ vào sân những phút cuối hiệp 2 khi thế trận của Colombia tương đối an toàn.
Thắng trận này, nhiều người nghĩ, chắc là ông Rueda còn giấu bài, chưa bung hết sức vì hành trình còn dài, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh vòng bảng không cao do chỉ có 1 trong số 5 đội bị loại!? Thế nhưng ở trận đấu thứ hai trước Venezuela ( đội từng thua Brazil dễ dàng 0-3 và mới thay cả đội hình vì nhiều cầu thủ dính virus corona) thì tuyển Colombia thật sự bế tắc! Trận hòa 0-0 trước đội bóng bị đánh giá yếu nhất bảng cho thấy hậu bối của huyền thoại Valderrama hoàn toàn bế tắc, mù tịt trong cách vận hành khi gặp một đối thủ quyết tâm phòng ngự kỷ luật. Ở trận này, ông Rueda đã tung “họng súng 2 nòng” Muriel - Zapata ngay từ đầu nhưng họ vẫn “ tắt điện” trước tuyển Venezuela chơi bằng sức mạnh tinh thần nhiều hơn năng lực thật sự của họ.

“ Con ong thợ” Cuadrado không sốc được Colombia vượt lên

AFP

Và trong trận đấu với Peru, đội bóng cũng bị xem là có phong độ rất tệ vì đang xếp cuối cùng ở vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ, đồng thời vừa thua thảm Brazil 0-4 thì Colombia đã phơi bày tất cả sự yếu kém của mình. Ở trận này người ta vẫn thấy có một “ con ong thợ” Cuadrado chăm bẵm, hoạt động từ cánh phải, rồi bó vào trong, rồi sút xa, thu hồi bóng như 2 trận đấu trước đó. Nhưng để trở thành người dẫn dắt lối chơi cho Colombia thì nhiệm vụ này có lẽ quá tầm đối với cầu thủ thuộc biên chế Juventus.
Mới đây thôi, hồi World Cup 2018, dù không tiến sâu tại sân chơi ấy nhưng người hậm mộ đã chứng kiến tuyển Colombia bản lĩnh, chững chạc, đầy kỹ thuật và lại mạnh mẽ. Đó là một tập thể biết kết hợp hoàn hảo giữa chất ngẫu hứng của Nam Mỹ với yếu tố thực dụng, kỷ luật của người Châu Âu. Một Colombia như vậy giúp họ đứng nhất bảng rất thuyết phục để vào vòng knock-out và chỉ chịu thua tuyển Anh có phong độ cao trên chấm luân lưu may rủi. ( Sau đó, chính tuyển Anh đã vào đến bán kết).
Còn giờ đây, xem Colombia thi đấu, rõ ràng là đã mất hẳn tính sáng tạo ở tuyến giữa, nơi mà họ từng sản sinh những tên tuổi lớn như Valderrama, James Rodriguez... Ngoài ra, Colombia hiện nay cũng thiếu đi mẫu tiền đạo “sát thủ vòng cấm” kiểu như Radamel Falcao hay Carlos Bacca thời đỉnh cao phong độ cao. Trong khi hàng tiền vệ Colombia đang thiếu một “Key player” đúng nghĩa thì các tiền đạo của họ dù chơi khá hay ở cấp CLB nhưng vẫn “chưa chịu lớn” khi “ăn cơm” tuyển. D.Zapatar ghi 15 bàn, còn L. Muriel góp công 22 bàn cho Atalanta ( Serie A mùa rồi); Miguel Borja ghi 8 bàn cho CLB quốc nội Junior...nhưng số lượng bàn thắng ở đội tuyển của họ khá khiêm tốn.

Colombia bế tắc trước đội kém trong bảng là Peru

AFP

HLV Reinado Rueda được xem là người ưa thích sơ đồ 4-3-3 nhưng kỳ thật ông lại rất thực dụng. Ông được chọn để thay thế Carlos Queiroz khi mà Colombia rơi vào tình thế khá thất vọng ở vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ. Thế nhưng hiện tại đội bóng của ông Rueda cũng chỉ khá hơn một chút, tức tạm xếp thứ 5 với 8 điểm ở sân chơi này.
Riêng tại Copa America này, với những gì vừa trải qua đã dặt ra cho ông Rueda hàng loạt “bài toán khó”, nhất là trước mắt còn nhiều đối thủ lớn đang chờ đợi. Rõ ràng để xây dựng một Colombia theo triết lý của riêng ông, thật chẳng dễ dàng khi Colombia không có trong đội hình những con người như “James bond Rodriguez”- cách gọi theo tên của “Điệp viên 007” huyền thoại sau khi anh thành danh ở World Cup 2014.
Colombia vì thế đang trở thành cục mịch hơn bao giờ hết!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.