Chỉ tuyển ứng viên từ 25 - 30 tuổi
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), đây là chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận, hợp tác giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan).
Bà Hà cho biết: “Từ nay đến cuối năm, phía Nhật sẽ tuyển ứng viên trên phạm vi toàn quốc với số lượng không hạn chế. Trong tháng 11 sẽ tuyển đợt đầu với 500 người. Tuy nhiên, chương trình này phía Nhật chỉ tuyển lao động trẻ có tuổi đời từ 20 - 30 tuổi, tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, có chiều cao từ 1,60 m trở lên; không xăm mình, không có dị tật, chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh (TTS) tại Nhật Bản”.
Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) - đơn vị tiếp nhận hồ sơ tuyển chọn TTS, cho biết người lao động trúng tuyển được IM Japan đài thọ các khoản chi phí gồm: vé máy bay, học phí khóa đào tạo chính thức trong thời gian 4 tháng, chi phí đào tạo tay nghề, chi phí ôn tập trong 1 tháng trước xuất cảnh. Người lao động chỉ phải trả chi phí làm hộ chiếu, visa và khám sức khỏe, học phí khóa đào tạo dự bị trong 3 tháng đầu.
Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động không phải nộp bất kỳ khoản phí nào khác. “Mức lương cơ bản của TTS tại Nhật 25 - 30 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm hoàn thành chương trình và về nước đúng thời hạn, người lao động có thể tích lũy mang về VN từ 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra, phía Nhật sẽ hỗ trợ 600.000 yen/người, tương tương 120 triệu đồng, để các bạn trẻ khởi nghiệp”, ông Tùng nói.
Một điểm khác của chương trình này là sẽ ưu tiên tuyển người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo. Bên cạnh đó, các lao động này còn được hỗ trợ thêm các khoản chi phí trong khóa học dự bị, chi phí làm thủ tục xuất cảnh, ăn ở trong thời gian đào tạo chính thức.
Cần lao động phục vụ cho thế vận hội
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong những năm gần đây Nhật Bản trở thành thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của VN. Số lao động VN đến Nhật Bản theo chương trình TTS kỹ thuật năm 2015 đạt trên 30.000 người. 9 tháng đầu năm 2016 đạt gần 27.000 người. Cùng với việc tăng nhanh về tổng số, tỷ trọng lao động được phái cử thực tập và làm việc trong ngành xây dựng trong tổng số lao động VN đến Nhật Bản cũng tăng cao rõ rệt. Nếu như những năm trước, con số này chỉ chiếm 5 - 10%, thì 5 tháng đầu năm 2016 đã chiếm khoảng 20%. Từ nay đến năm 2020, Nhật Bản vẫn tiếp tục khai thác nhân công ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN. Chỉ riêng ngành xây dựng, nhu cầu tuyển dụng năm 2017 lên đến 150.000 người.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chia sẻ: “Nhằm xây dựng các công trường phục vụ cho thế vận hội năm 2020, cùng với tái thiết vùng Đông Bắc và Kumamoto, nhu cầu lao động ngoài nước của Nhật Bản cho lĩnh vực này đã đang và sẽ còn tăng. Trong khi đó, nguồn cung lao động ngành nghề này nhiều năm qua chủ yếu dựa vào Trung Quốc, nay đã thuyên giảm rõ rệt, do mức thu nhập không còn đủ hấp dẫn đối với họ. Đây là cơ hội để tăng số lượng TTS VN đến Nhật Bản”.
Người lao động có đủ điều kiện tham gia chương trình có thể lấy mẫu đăng ký trên trang web của Trung tâm lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn. Hoặc liên hệ trực tiếp theo địa chỉ số 1, Trịnh Hoài Đức, P.Cát Linh, Q.Đống Đa, Hà Nội.
Tránh bị lừa
Trước thông tin Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, gần đây xuất hiện tình trạng một số đơn vị công khai quảng cáo trên các trang mạng việc tuyển chọn, tư vấn đi làm việc tại Nhật, thu tiền của người lao động trái phép, chủ yếu là để lừa tiền cọc, học phí, dịch vụ phát sinh... sau đó người lao động không xuất cảnh được do đơn vị đó không có đơn hàng cung ứng với nghiệp đoàn Nhật Bản được Cục thẩm định. Để tránh bị lừa, người lao động cần tìm hiểu thông tin chính thống từ Bộ LĐ-TB-XH, tìm hiểu các công ty xuất khẩu lao động được cấp phép qua Cục Quản lý lao động ngoài nước.
|
Gia hạn visa cho TTS tại Nhật từ 3 lên 5 năm
Tại buổi làm việc đầu tháng 11 giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), ông Yanagisawa Kyoei, Chủ tịch IM Japan, cho hay Bộ Lao động Nhật Bản đang soạn thảo văn bản luật mới liên quan đến chương trình tiếp nhận TTS. Trong thời gian tới, lao động ở một số nghề sẽ có cơ hội tăng thời gian làm việc từ 3 năm lên 5 năm khi vượt qua kỳ thi tay nghề và vốn tiếng Nhật tốt. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá lại việc tuyển chọn TTS của các doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc với chất lượng cao nhất.
|
Bình luận (0)