Tuyển nữ Việt Nam đi World Cup: Tiếc nuối nguồn lực Việt kiều còn dang dở

08/02/2022 17:10 GMT+7

Năm 2019, HLV Mai Đức Chung từng rất vui khi 2 nữ Việt kiều Lê Chelsea và Lê Kyah tỏa sáng ở tuyển U.19 nữ Việt Nam, nhưng sau 3 năm họ vẫn chưa thể thi đấu cho quê bố.

Trong 10 ngày tập tại tuyển U.19 nữ Việt Nam hồi tháng 8.2019, Lê Chelsea thể hiện được những phẩm chất đặc biệt của mình: sức rướn rất tốt, thuận cả hai chân, khả năng bứt tốc để dứt điểm khá ổn và biết tạo cơ hội thành bàn thắng (2 bàn sau 2 trận).

HLV người Nhật Bản Ijiri Akira của U.19 Việt Nam từng phải đã thốt lên rằng, Chelsea rất khác biệt so với cầu thủ nữ Việt Nam. Ông bày tỏ hy vọng cô sẽ không ngừng nỗ lực để trở thành nhân tố quan trọng của đội bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai, mà cụ thể là World Cup 2023, khi Chelsea bước sang tuổi 22.

Sau 3 năm, tuyển nữ Việt Nam đã đạt được giấc mơ của mình là góp mặt ở World Cup 2023, nhưng tiếc là đến giờ giấc mơ cống hiến cho quê bố mình của chị em Lê Chelsea và Lê Kyah vẫn chỉ là giấc mơ.

Những bước chạy thoăn thoắt của Lê Chelsea

VFF

Sáng 16.8, trước khi ra sân bay về Mỹ, ông nội của 2 nữ cầu thủ là Lê Liên chia sẻ: “Có thể coi đây như một cơ duyên, cơ may của chúng tôi. Gia đình rất mong VFF có hồi âm sớm và nếu VFF tiếp nhận, chúng tôi sẽ làm hết sức để cùng VFF lo thủ tục nhập quốc tịch cho các con”.

Ông Lê Lâm (bố Chelsea) cho biết: “Nếu được VFF tin tưởng, chúng tôi sẽ hợp tác làm các thủ tục cần thiết để Chelsea và Kyah được thi đấu cho tuyển Việt Nam”.

Về phần mình, Chelsea (sinh năm 2001) chia sẻ: “Nếu được lựa chọn giữa đội trẻ của Mỹ và Việt Nam, tôi sẽ chọn Việt Nam vì bóng đá nữ của Mỹ đã từng dự World Cup còn Việt Nam thì chưa bao giờ. Tôi muốn mình được thi đấu trong màu áo Việt Nam”.

Lê Chelsea và Lê Kyah trao đổi cùng các nữ cầu thủ U.19 Việt Nam

VFF

Nguyên chủ tịch VFF Lê Khánh Hải từng bày tỏ: “Tôi cũng nhấn mạnh quan điểm, bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nữ Việt Nam nói riêng phải biết thu hút nhân tài người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, không được bỏ sót.

Rõ ràng, người Việt chúng ta không thiếu các cầu thủ giỏi đang học tập, thi đấu ở nước ngoài. Nếu họ thực sự có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về mặt chuyên môn và thể hiện rõ khát khao cống hiến thì nhiệm vụ của VFF là chiêu mộ họ về nước thi đấu cho đội tuyển quốc gia, phục vụ những mục tiêu quan trọng".

Toàn bộ 24 phút HLV Mai Đức Chung trải lòng sau khi giúp Việt Nam vào World Cup

Bản thân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Mai Đức Chung từng rất hồ hởi khi xem băng hình về lối chơi kỹ thuật của 2 cô gái: “Hai cô bé có lối đá thật hiện đại. Thật tiếc là tôi lại không có mặt ở Việt Nam thời điểm họ tập thử. Tôi mong họ sớm quay lại Việt Nam để chúng tôi có dịp trao đổi trực tiếp”.

Filip Nguyễn là tài năng sáng giá ở châu Âu chưa được cống hiến cho tuyển Việt Nam

CLB Slovan Liberec

Thực tế, VFF đã rất nỗ lực và chủ động gửi hồ sơ lên Bộ Tư pháp nhưng vẫn vướng mắc về mặt thủ tục, tắc nghẽn lớn nhất là Lê Chelsea và Lê Ryah không có đủ 5 năm sinh sống tại Việt Nam dù có bố là người Việt.

Trường hợp này rất giống với một tiếc nuối khác là thủ môn Filip Nguyễn vẫn chưa thể có hộ chiếu Việt Nam dù anh và bố thường xuyên về nước để tìm cách thúc đẩy cơ hội.

Cá nhân Filip Nguyễn cũng rất nhiều lần bày tỏ nguyện ước được cống hiến cho quê hương bố mình. Cũng nói thêm, Filip Nguyễn đã lấy vợ cũng là người gốc Việt và con anh có hộ chiếu Việt Nam.

Được biết vào lúc này Lê Chelsea đang chơi bóng cho đại học Gonzaga (Mỹ) trong khi Kyah đang thi đấu rất tốt ở Ý. Nếu họ được "bật đèn xanh" về nước cống hiến sẽ là trợ lực đáng kể cho tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, và thôi thúc hơn quyết tâm trở về của nhiều VĐV Việt kiều khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.