Tuyển sinh 2023: Công bố thang điểm chấm thi môn năng khiếu

30/01/2023 19:33 GMT+7

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã ban hành chính thức quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH) áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2023. Trong đó, thí sinh có thể nhờ người trợ diễn thi năng khiếu.

4 phương thức tuyển sinh

Theo đó, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM sử dụng 4 phương thức tuyển sinh trình độ ĐH đối với thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Tuyển sinh: Một trường đại học cho phép thí sinh nhờ người trợ diễn thi năng khiếu - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi môn năng khiếu trong kỳ tuyển sinh đầu vào một trường ĐH tại TP.HCM

Đ.N.T.

Phương thức 1: xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Phương thức 2: thi tuyển kết hợp với xét tuyển áp dụng đối với ngành quản lý văn hóa, chuyên ngành tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật (có mã xét tuyển R01, R02, R03, R04); Thi tuyển năng khiếu nghệ thuật kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tuyển năng khiếu nghệ thuật kết hợp với kết quả học tập 6 học kỳ của một số môn văn hóa THPT theo tổ hợp xét tuyển quy định đối với thí sinh tốt nghiệp cấp THPT hoặc tương đương.

Phương thức 3: xét tuyển từ kết quả học tập 6 học kỳ của một số môn văn hóa cấp THPT hoặc tương đương, theo tổ hợp xét tuyển quy định.

Phương thức 4: xét tuyển thẳng, thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT và quy định riêng theo đề án tuyển sinh trình độ ĐH của trường.

Thông tin xét tuyển từng ngành như bảng sau:

Tuyển sinh: Một trường đại học cho phép thí sinh nhờ người trợ diễn thi năng khiếu - Ảnh 2.

Thông tin tuyển sinh từng ngành của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Tuyển sinh: Một trường đại học cho phép thí sinh nhờ người trợ diễn thi năng khiếu - Ảnh 3.


Thang điểm chấm thi môn năng khiếu

Quy chế cũng nêu rõ hình thức, nội dung, thời gian, tiêu chí và thang điểm đối với đề thi năng khiếu.

Môn năng khiếu 1 là biểu diễn nghệ thuật thí sinh lựa chọn và thể hiện năng khiếu nghệ thuật thông qua một trong các hình thức: hát, đàn, múa, diễn kịch, thuyết trình. Trang phục thí sinh dự thi phải lịch sự, phù hợp với tiết mục biểu diễn. Nếu có người trợ diễn thi năng khiếu thì thí sinh phải đăng ký với ban coi thi vào ngày tập trung làm thủ tục dự thi.

Về nội dung thi, thí sinh có thể tự sáng tác hoặc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cấp phép ban hành. Tác phẩm dự thi phải có nội dung trong sáng, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Thời gian thi không quá 10 phút/môn thi/thí sinh. Tiêu chí và thang điểm chấm thi cụ thể theo thang điểm 10 như sau:

  • Nội dung tiết mục: 3 điểm
  • Hình thức thể hiện: 5 điểm
  • Ngoại hình: 1 điểm
  • Đảm bảo đúng quy định thời gian: 1 điểm

Môn năng khiếu 2 là năng lực hiểu biết nghệ thuật, thí sinh bốc thăm và trả lời trực tiếp câu hỏi theo yêu cầu đề thi. Nội dung thi kiểm tra khả năng nhận định tình huống trong hoạt động văn hóa nghệ thuật với không quá 10 phút/thí sinh. Tiêu chí và thang điểm chấm thi theo thang điểm 10 như sau:

  • Kiến thức lý thuyết: 3 điểm
  • Nhận định tình huống thực tiễn: 5 điểm
  • Văn hóa ứng xử: 1 điểm
  • Đảm bảo đúng thời gian quy định: 1 điểm

Quy định ngưỡng đầu vào

Quy chế này cũng quy định cụ thể về cách xác định điểm xét tuyển. Đối với thí sinh không sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển, điểm xét tuyển được xác định như sau: Đxt = Đt + Đưt (Đt là tổng điểm các môn theo thang điểm 10 trong tổ hợp xét tuyển và Đưt là điểm ưu tiên).

Đối với thí sinh sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển, điểm xét tuyển được xác định dựa vào điểm trung bình chung của các môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc 6 học kỳ bậc THPT. Cụ thể như sau: Dxt = ĐTB môn 1 + ĐTB môn 2 + ĐTB môn 3 + Đưt. Trong đó ĐTB môn 1, ĐTB môn 2, ĐTB môn 3 lần lượt là điểm trung bình cộng của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển trong 6 học kỳ bậc THPT.

Đối với thí sinh dự tuyển bằng các môn thi năng khiếu nghệ thuật kết hợp với kết quả điểm thi hoặc kết quả học tập của 6 học kỳ bậc THPT của một số môn văn hóa của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển gồm 2 nhóm. Nhóm 1 là thí sinh dự tuyển bằng các môn thi năng khiếu nghệ thuật kết hợp với kết quả điểm thi Đxt = Đt + Đnk + Đưt (Đnk là tổng điểm thi năng khiếu theo thang điểm 10 trong tổ hợp xét tuyển). 

Nhóm 2 là thí sinh dự tuyển bằng các môn thi năng khiếu nghệ thuật kết hợp với kết quả học tập của 6 học kỳ bậc THPT, Đxt được xác định từ điểm trung bình chung của các môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc 6 học kỳ bậc THPT như sau: Dxt = ĐTB môn + Đnk + Đưt.

Trong quy chế tuyển sinh này, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng quy định cụ thể về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Với các tổ hợp của phương thức xét tuyển từ kết quả học tập THPT, để được đăng ký xét tuyển thì mỗi môn trong tổ hợp, điểm trung bình ở mỗi năm học phải lớn hơn hoặc bằng 5 (thang điểm 10). Đối với các tổ hợp xét tuyển có môn thi năng khiếu, điểm phải lớn hơn hoặc bằng 5 (thang điểm 10).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.