Tuyển sinh đại học năm 2023: Những điểm dự kiến thay đổi

01/12/2022 06:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT dự kiến tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ tốt hơn cho các trường và thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển để loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh (TS). Bộ cũng sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022

NHẬT THỊNH

Thông tin trên được nêu ra tại cuộc họp giao ban quý 4 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT sáng qua (30.11).

Nhiều kiến nghị từ các trường ĐH

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc số hóa tuyển sinh trong năm 2022 khi sử dụng duy nhất một phần mềm trong xét tuyển lọc ảo đã tạo thuận lợi cho người học và tăng tính công khai, minh bạch.

Đề xuất công tác tuyển sinh năm tới, GS Đình Đức cho hay dự kiến điểm mới trong chính sách điểm ưu tiên khu vực năm 2023 cũng nên xem xét lại. Ông Đức cho rằng để tránh TS có điểm xét tuyển ở mức tuyệt đối mà lại sửa điểm ưu tiên là không công bằng. Ông Đức nhận định: “Đã cùng một đối tượng, một khu vực thì nên có mức hưởng ưu tiên như nhau, không thể TS giỏi thì ưu tiên ít hơn là không phù hợp”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng cần tính toán về mặt kỹ thuật trong lọc ảo xét tuyển với các phương thức tuyển sinh sớm năm 2023. Năm 2022 có nhiều thay đổi tích cực về mặt kỹ thuật xét tuyển nhưng thời gian công bố quá sát. Điều này khiến một số TS chưa tiếp thu đầy đủ dẫn đến đánh mất cơ hội xét tuyển vào các ngành yêu thích. Ông Hải đề nghị: “Năm nay bộ khẳng định quy chế tuyển sinh không thay đổi, phần mềm tuyển sinh cần đồng nhất cơ sở dữ liệu để các trường cập nhật dữ liệu TS trúng tuyển nhanh chóng hơn vì như năm 2022 một số trường chưa đồng bộ”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng ý kiến: “Năm nay thống kê của bộ có 18 phương thức tuyển sinh nhưng tôi thấy chỉ có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, với tỷ lệ 88,62%. Các phương thức còn lại chỉ chiếm 11,38% và trong đó hầu hết dưới 1%. Nên chăng các trường giới hạn lại phương thức tuyển sinh để TS tránh sai sót trong quá trình đăng ký”.

Có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, với tỷ lệ 88,62%. Các phương thức còn lại chỉ chiếm 11,38% và trong đó hầu hết dưới 1%. Nên chăng các trường giới hạn lại phương thức tuyển sinh để TS tránh sai sót trong quá trình đăng ký.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo đại học (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ sự đồng thuận việc ổn định chính sách tuyển sinh trong 5 - 6 năm tới, đặc biệt là định hướng kỳ thi đánh giá năng lực. Ông Dương cho biết năm 2022 ĐH Quốc gia TP.HCM đã tuyển được khoảng 95% tổng chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gần 40%.

Trước thông tin hiện còn một số lĩnh vực khó tuyển sinh, tiến sĩ Thái Dương cho rằng bộ có thể hỗ trợ các trường về mặt cơ sở dữ liệu nền, thông tin về báo cáo đánh giá thị trường lao động để các trường thông tin với người học. Về điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết bộ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để các trường có thông tin trong hoạch định kế hoạch tuyển sinh và đào tạo.

Thí sinh hoàn thành bài thi khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

ngọc dương

“Sắp tới, bộ sẽ xây dựng hệ thống theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Hiện bộ đã làm việc với Bảo hiểm VN, trên cơ sở gắn kết với dữ liệu ngành sẽ có thông tin 1 sinh viên tốt nghiệp ra trường sau bao lâu có việc làm và vị trí việc làm cụ thể. Bộ sẽ cố gắng hoàn thành sớm để năm 2023 đưa vào sử dụng và công bố để các trường biết rõ. Dữ liệu này không chỉ đánh giá chất lượng sinh viên ra trường mà còn dự báo được xu hướng các ngành nghề”, ông Sơn thông tin.

Tránh tổ chức quá nhiều kỳ thi riêng

Cũng tại cuộc họp, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2023 sẽ khác hẳn các năm trước. Thay vì có 4 đầu điểm như các năm trước thì ĐH này điều chỉnh thành một đầu điểm và TS dự thi đồng thời cả toán, tự luận và khoa học. Theo ông Đức, ngoài 2 ĐH quốc gia thì nhiều đơn vị khác cũng dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Các trung tâm khảo thí đã nhất trí có sự quy đổi để nhiều trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh.

Liên quan điểm này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội công bố sớm thông tin kỳ thi đánh giá năng lực để TS biết. Theo ông Sơn, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và khách quan cao, đáp ứng được yêu cầu của các trường trong xét tuyển là mong muốn của bộ. Việc này sẽ tránh tình trạng các trường phải tổ chức nhiều kỳ thi riêng gây lãng phí cho xã hội và từng trường, TS.

Từ những sai sót về dữ liệu TS vừa qua, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, giám sát từ các trường phổ thông và sở GD-ĐT. Qua đó giúp học sinh hiểu đúng quy định, quy tắc tuyển sinh và những yêu cầu công nghệ để tránh các sai sót đáng tiếc.

Đặc biệt, GS Tú bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT để đạt được mục tiêu xét tuyển, từ tính nghiêm túc của kỳ thi ở các địa phương cũng như độ phân hóa của đề thi. “Năm ngoái sự phân hóa của đề thi đã tốt nhưng vẫn mong tốt hơn nữa để phục vụ cho các trường trong xét tuyển, đặc biệt các ngành có tính cạnh tranh cao”, ông Tú nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết hiện các trường khối sức khỏe đã có họp bàn về phương án tuyển sinh chung. Tuy nhiên, ông Tú nói thời gian tới các trường này sẽ tiếp tục họp để bàn cụ thể hơn về cách phối hợp thực hiện sau khi Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tuyển nữa. Khi đó, các trường khối ngành khoa học sức khỏe sẽ tìm công cụ chung và có thể hướng đến một số kỳ thi của các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.

Trước thông tin này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị các trường có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo ông Sơn, hiện không còn là kỳ thi quốc gia nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy và đạt được mục tiêu không chỉ xét tốt nghiệp mà còn đánh giá quá trình học tập, mặt bằng chất lượng các vùng miền. “Mức độ phân hóa có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng các trường trong xét tuyển các ngành có tính cạnh tranh cao, nhưng là kỳ thi có số lượng lớn trường sử dụng được để xét tuyển”, ông Sơn nói. Nhưng ông Sơn cũng cho biết chậm nhất từ năm 2025 sẽ có điều chỉnh tuyển sinh phù hợp với đặc thù từng ngành.

Gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy kết thúc tuyển sinh đợt 1, riêng khối ĐH trong số 564.735 TS trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020.

Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 đơn vị (66,5%) có tỷ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số TS nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu. Tuy nhiên, có tới gần 100.000 TS trúng tuyển nhưng không nhập học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.