Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, cách thức tuyển sinh mới này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu học sinh (HS) được học trường gần nhà nhất có thể.
HỌC SINH SẼ ĐƯỢC HỌC GẦN NHÀ NHẤT
Khi đề cập đến nội dung thay cơ bản nhất trong việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 tại TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học mới sắp tới là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ GIS trong phân tuyến HS trên nguyên tắc HS được học gần nhà nhất có thể.
Cũng theo đề xuất của Sở GD-ĐT với UBND TP.HCM, thì năm học mới TP thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp tại TP.Thủ Đức, Q.8 và Q.Tân Bình. Với thí điểm này thì việc tuyển sinh các lớp đầu cấp lớp 1, lớp 6 tại TP.Thủ Đức, Q.8, Q.Tân Bình sẽ thực hiện theo nguyên tắc phân bổ HS được học tại trường gần nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường.
HẠN CHẾ HS DỒN VÀO CÁC TRƯỜNG "ĐIỂM NÓNG"
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, việc ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp xây dựng từ việc kế thừa phương thức phân tuyến HS cư trú ở địa bàn phường nào học tại trường đóng trên địa bàn phường đó và đến nay khi ứng dụng công nghệ thì sẽ bổ sung tính năng quét khoảng cách cự lý di chuyển từ nơi ở thực tế đến trường sao cho thuận lợi hơn. Tức là không chỉ phân tuyến theo địa bàn phường mà có thể thực hiện liên phường, phường lân cận nếu khoảng cách di chuyển phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT thì việc ứng dụng bản đồ GIS trong phân tuyến sẽ hạn chế việc các trường "điểm nóng" có thể xảy ra tình trạng một địa chỉ mấy chục HS trong độ tuổi đi học.
"Việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuyển sinh đầu cấp trên hết sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho người dân, đảm bảo HS được học gần nhà. Ngoài ra còn giúp các địa phương thuận tiện hơn trong công tác tuyển sinh đầu cấp hằng năm, nhất là các địa phương luôn chịu áp lực về sĩ số HS", ông Minh nói.
Là một trong 3 địa phương thực hiện thí điểm, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay trước đây nguyên tắc phân tuyến là HS cư trú ở phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó. Nhưng với việc tuyển sinh áp dụng bản đồ GIS thì có thể phân tuyến theo hình thức địa bàn phường hoặc liên phường, sao cho HS đi học trường gần nhà nhất có thể. Lãnh đạo phòng GD-ĐT Q.8 cho hay địa phương này đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến. Phụ huynh sẽ không phải "chạy đi chạy lại" để bổ sung giấy tờ, xác nhận nhập học cho con em. Thay vào đó, chỉ khai báo một lần với cán bộ khu phố hoặc công an khu vực. Ông Dân nhấn mạnh việc tuyển sinh theo cách mới có nhiều ưu điểm, đó là HS được học tại trường gần với nơi ở thực tế. Điều này phần nào xóa bỏ hạn chế của cách phân tuyến theo địa giới hành chính phường đã tồn tại nhiều năm nay. Tức là HS học lớp 1, lớp 6 ở trường nằm trên địa bàn phường nhưng có thể phải di chuyển xa hơn so với trường ở phường lân cận.
Còn lãnh đạo phòng GD Q.Tân Bình cũng nói dùng bản đồ GIS xác định được khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học gần nhất để đảm bảo việc đi học thuận tiện hơn.
PHÂN TUYẾN HỌC SINH RA SAO ?
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho hay sẽ căn cứ vào thông tin phụ huynh khai báo trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia. Đồng thời Ban chỉ đạo hội đồng tuyển sinh quận chỉ đạo UBND các phường phối hợp với công an khu vực xác minh thực tế người dân cư trú để làm cơ sở phân tuyến.
Chẳng hạn, HS cư trú thực tế tại P.2, thì không chỉ vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền thuộc P.2 mà còn có thể học tại các trường như tiểu học Lê Văn Sỹ thuộc P.1 hoặc tiểu học Tân Sơn Nhất hay Hoàng Văn Thụ cùng thuộc P.4, nếu khoảng cách di chuyển từ nhà đến những trường nói trên gần hơn cự ly đến Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền.
Đề cập đến quy định tuyển sinh tại TP.Thủ Đức, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết với đặc thù địa bàn dân cư khá lớn, có nhiều áp lực về sĩ số HS nên việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp tại TP.Thủ Đức luôn phải linh hoạt. Cơ bản TP.Thủ Đức năm ngoái đã đổi mới phương thức tuyển sinh, không phân tuyến theo hộ khẩu mà HS thường trú hay tạm trú đều có vị trí như nhau. Tùy vào chỗ học thực tế của từng địa phương để sắp xếp trong từng phường. Trường hợp trong phường không đủ chỗ sẽ phân tuyến qua đơn vị trường học gần nhất có thể, nguyên tắc đảm bảo con em người dân đều có chỗ học.
PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ ?
Cũng theo ông Vĩnh Nguyên, thời gian này, phụ huynh HS cần rà soát lại việc cung cấp số điện thoại di động liên lạc được cho nhà trường đối với lớp 6, cho cán bộ chuyên trách giáo dục đối với lớp 1. Tất cả thao tác đều được thực hiện trên phần mềm. Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ đăng clip hướng dẫn thực hiện. Công tác truyền thông sẽ được đẩy mạnh đảm bảo có đầy đủ hướng dẫn để phụ huynh HS thực hiện thao tác trên phần mềm bằng điện thoại, máy tính…
Ông Nguyên lưu ý: "Số điện thoại di động phụ huynh cung cấp cần phải chính xác để phần mềm gửi thông tin tên đăng nhập, mật khẩu khi thao tác xác nhận đồng ý phân tuyến. Cán bộ chuyên trách giáo dục khi điều tra cũng đã lưu ý rất kỹ vấn đề này (số điện thoại của cha, mẹ, người bảo hộ, tránh cung cấp số điện thoại của ông, bà).
Theo lộ trình của kế hoạch tuyển sinh theo hình thức trực tuyến và ứng dụng bản đồ GIS thì tất cả trẻ vào lớp 1 và HS chuẩn bị vào lớp 6 đều phải được khai báo hoặc cập nhật thông tin lên hệ thống trục cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành giáo dục. Trong đó , ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh thông tin "nơi ở hiện tại" cần được rà soát và cập nhật chính xác và phải có mã định danh của HS. Dữ liệu này sẽ được ngành giáo dục và Công an TP rà soát hoàn tất vào ngày 1.5 để sau đó sẽ thực hiện việc phân bổ HS trên ứng dụng.
Công tác tuyển sinh dự kiến lớp 1 sẽ bắt đầu từ ngày 15.6 còn lớp 6 sẽ bắt đầu từ ngày 1.7. Danh sách HS vào từng trường tiểu học, THCS sẽ công bố đồng loạt vào ngày 1.8.
Vì sao thí điểm ở Q.8, Q.Tân Bình và TP.Thủ Đức ?
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, sở dĩ Sở chọn thí điểm 3 địa phương Q.8, Q.Tân Bình và TP.Thủ Đức áp dụng bản đồ số GIS vào tuyển sinh vì đây đều là các địa phương đặc thù, nhiều năm nay đã rất linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp, giải quyết để đảm bảo chỗ học cho HS.
Trong đó, Q.8 là một trong những địa phương có dân số nhập cư không quá đông song cũng không ít, đủ để áp dụng thí điểm từ đó rút kinh nghiệm. Còn Q.Tân Bình là địa bàn tương đối ổn định về số HS hằng năm song lại giáp ranh giữa nhiều quận có áp lực về tuyển sinh. Hay TP.Thủ Đức là một trong những địa bàn "nóng" với quy mô 34 phường, có những đặc thù riêng, giáp ranh khu vực địa giới ngoại tỉnh Bình Dương, tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp. Việc áp dụng thí điểm sẽ giúp địa phương phần nào bớt áp lực trong việc giải quyết chỗ học cho HS đầu cấp.
Bình luận (0)