Tuyển sinh ĐH 2022: Trường đầu tiên đào tạo kỹ sư an toàn vệ sinh lao động

15/04/2022 18:17 GMT+7

Năm nay, Trường ĐH Mỏ - Địa chất tuyển 3.084 chỉ tiêu đại học chính quy cho 41 mã ngành. Gần đây, trường mới mở nhiều mã ngành khối kinh tế - kinh doanh , quản lý..., đặc biệt có cả ngành vệ sinh an toàn lao động.

Trường ĐH Mỏ - Địa chất vừa thông báo về việc tuyển sinh ngành an toàn vệ sinh lao động (mã ngành 78500202). Đây là ngành đặc thù, thường được đào tạo ở những trường chuyên đào tạo các ngành thuộc khối xã hội, và chỉ đào tạo cử nhân (đại học, cao đẳng). Còn Trường ĐH Mỏ - Địa chất là trường ĐH đầu tiên đào tạo kỹ sư ngành này, với thời gian học là 4 năm rưỡi.

Cán bộ tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Mỏ - Địa chất trả lời thắc mắc của các học sinh lớp 12 về thông tin tuyển sinh năm 2022 của trường

Sông công

Theo GS Bùi Xuân Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản là nơi xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng, vì thế mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng về an toàn vệ sinh lao động nhằm đảm bảo lợi ích của hoạt động khai thác mỏ. Việt Nam là đất nước đang trong quá trình phát triển về mọi mặt từ giao thông, đến công nghệ, thiết bị khoa học công nghệ và con người, tất cả các doanh nghiệp muốn hội nhập hàng hóa và xuất khẩu buộc phải vượt qua 3 hàng rào tiêu chuẩn, trong đó có an toàn vệ sinh lao động.

“Theo quy định của luật về an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động sử dụng từ dưới 50 lao động phải có tối thiểu 1 người làm bán chuyên trách và sử dụng từ 50 - 300 lao động phải có tối thiểu 1 cán bộ làm chuyên trách an toàn vệ sinh lao động. Tính đến năm 2020, Việt Nam có 810.000 doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp. Qua đó cho thấy nhu cầu đào tạo kỹ sư an toàn vệ sinh lao động là rất lớn và rất cần thiết”, GS Nam phân tích.

Cũng theo GS Nam, Trường ĐH Mỏ - Địa chất mở mã ngành an toàn vệ sinh lao động là để đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp khai thác mỏ nói riêng và ngành địa chất nói chung. Trong 4 năm rưỡi, người học sẽ hiểu được nguyên nhân và tìm ra giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động; có kiến thức và kỹ năng để xử lý các vấn đề liên quan đến bệnh nghề nghiệp, các yếu tố gây độc hại trong lao động, các sự cố và nguy cơ rủi ro trong sản xuất; có giải pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động.

Được biết, năm 2022 Trường ĐH Mỏ - Địa chất sẽ tuyển 3.084 chỉ tiêu cho 41 mã ngành đào tạo. Trong số 41 mã ngành này có nhiều ngành mới mở, những ngành mới mở phần lớn là các ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý...

Trường sử dụng 12 tổ hợp xét tuyển, với 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức 1 (dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT) tuyển 1.665 chỉ tiêu; phương thức 2 (xét kết quả học bạ) tuyển 1.050 chỉ tiêu; phương thức 3 (xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo kết quả học THPT cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế) là 22 chỉ tiêu; phương thức 4 (xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với 2 môn còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo tổ hợp môn xét tuyển của trường) là 49 chỉ tiêu; phương thức 5 (sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là 298 chỉ tiêu.

Riêng ngành vệ sinh an toàn lao động trường sẽ tuyển 50 chỉ tiêu bằng các phương thức 1, 2, 5; tổ hợp xét tuyển là gồm A00, A01, D01, B00.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.