Tuyển sinh ĐH 2023: Lần đầu áp dụng điểm ưu tiên mới

03/03/2023 07:34 GMT+7

Năm 2023 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên. Theo đó, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), điểm ưu tiên sẽ giảm dần.

Lần đầu áp dụng điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh đại học 2023

Hôm nay 3.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh 2023. Theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định. Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2022 tiếp tục được áp dụng. Các trường ĐH, các trường CĐ tuyển sinh ngành GD mầm non (gọi chung là trường ĐH) ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh một điểm mới (nhưng đã được quy định trong quy chế tuyển sinh) mà các trường ĐH và các thí sinh (TS) cần lưu ý, năm 2023 là năm đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; TS được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã nêu một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Tuyển sinh ĐH 2023: Lần đầu áp dụng điểm ưu tiên mới  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 tỉnh Bình Dương tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 của Báo Thanh Niên. Đây là tỉnh có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH cao nhất.

ĐÀO NGỌC THẠCH

PHẢI ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG GIỮA CÁC PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN

Bộ GD-ĐT đề nghị các trường ĐH phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Các trường cần có phương án để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển, phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin TS trúng tuyển sớm theo quy định, đồng thời nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng

Theo quy chế tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT ban hành tháng 6.2022, mức điểm ưu tiên theo khu vực (KV) vẫn như trước đây. Cụ thể: mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm; KV2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5; KV2 là 0,25; KV3 không được tính điểm ưu tiên.

Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm. Nhưng từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định ở trên.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1; tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của TS. Bộ cũng sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các TS trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển; đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển (TS đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo mã xét tuyển/ngành đào tạo), giảm tối đa nhầm lẫn.

Hệ thống xét tuyển sẽ được bổ sung chức năng để các trường có thể cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có), để các trường có thể sử dụng kết quả này xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm.

Năm nay, các trường vẫn tiếp tục được xét tuyển sớm nhưng Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).

CHÚ TRỌNG VIỆC XỬ LÝ RỦI RO NHẰM ĐẢM BẢO LỢI ÍCH CHO THÍ SINH

Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chú trọng công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh (phải được công bố trong đề án tuyển sinh), triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro. Các trường thuộc lực lượng vũ trang cần có biện pháp khắc phục tình trạng TS không đủ điều kiện sức khỏe, không đảm bảo về lý lịch chính trị không được nhập học. Các trường chủ trì, chịu trách nhiệm và phối hợp các trường liên quan giải quyết các rủi ro (nếu có).

Tuyển sinh ĐH 2023: Lần đầu áp dụng điểm ưu tiên mới  - Ảnh 3.

Học sinh Đà Nẵng. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH cao (61,88%)

HUY ĐẠT

Cũng tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo kế hoạch tuyển sinh chung để các trường, TS và các bên liên quan triển khai đồng bộ, đảm bảo công tác tuyển sinh năm 2023 diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế và các văn bản liên quan. Các trường khi xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể phải đảm bảo thống nhất với kế hoạch chung, được công khai, minh bạch để xã hội, cơ quan quản lý giám sát; đảm bảo công bằng đối với tất cả các TS tham gia dự tuyển. TS được cung cấp thông tin đầy đủ, chuẩn xác, rõ ràng, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu; hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển của TS do những quy định không liên quan đến công tác tuyển sinh của trường.

TỪ 5.7, THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

Theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT về xét tuyển ĐH năm 2023, ngày 4.7, các trường ĐH nếu có phương thức xét tuyển sớm hoàn thành phương thức này, thông báo kết quả cho TS để các em đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Địa phương nào có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH cao nhất ?

Trong báo cáo về tình hình tuyển sinh ĐH năm 2022, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên đưa ra số liệu tỷ lệ TS tốt nghiệp THPT của các địa phương trúng tuyển nhập học vào các cơ sở đào tạo. Qua đó cho thấy số TS tốt nghiệp THPT ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn cũng đồng thời có tỷ lệ trúng tuyển và nhập học cao hơn.

Mặt bằng tỷ lệ chung của cả nước là 48,09% (tính số TS nhập học ĐH so với số TS tốt nghiệp THPT). Nhưng chỉ có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên (do các tỉnh, thành có tỷ lệ TS nhập ĐH cao đều là những nơi có đông TS nên kéo mặt bằng chung lên).

Tuy nhiên, dẫn đầu danh sách này không phải là một số địa phương vốn nổi tiếng là đất học ở phía Bắc như Nam Định, Hải Dương… hay những nơi có mật độ trường ĐH cao như Hà Nội, TP.HCM…

6 địa phương dẫn đầu danh sách, cũng là những địa phương đạt tỷ lệ trên 60%, lần lượt là: Bình Dương (67,42%); Thừa Thiên-Huế (62,57%); Đà Nẵng (61,88%); Khánh Hòa (60,76%); TP.HCM (60,74%); Nam Định (60,54%).

Tiếp theo là Hải Phòng (58,25%); Phú Yên (57,10%); Hà Nội (56,81%); Bắc Ninh (56,12%); Hưng Yên (56,02%).

Các tỉnh từ trên mặt bằng chung đến gần 55% gồm (xếp từ cao xuống thấp): Bà Rịa-Vũng Tàu; Hà Nam; Bình Định; Quảng Ngãi; Ninh Bình; Thái Nguyên; Quảng Nam; Tiền Giang; Thái Bình; Ninh Thuận; Lâm Đồng; Quảng Trị; Bạc Liêu.

9 địa phương thấp nhất (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc: Yên Bái (29,36%); Tuyên Quang (28,8%); Hòa Bình (28,54%); Điện Biên (27,46%); Cao Bằng (24,92%); Lạng Sơn (24,87%); Sơn La (23,66%); Hà Giang (21,53%); Lai Châu (20,39%).

Từ ngày 5.7 đến 17 giờ ngày 25.7, TS sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Việc điều chỉnh nguyện vọng không bị giới hạn số lần trong khung thời gian này.

Với những TS đã tốt nghiệp THPT, trung cấp chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống thì được cấp tài khoản bổ sung từ ngày 5.7 đến ngày 11.7.

Ngày 20.7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Đến 17 giờ ngày 22.7, các trường ĐH sẽ hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống và trang thông tin điện tử của đơn vị mình đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).

Từ 26.7 đến 17 giờ ngày 5.8, TS nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Từ ngày 9.8 đến 17 giờ ngày 12.8, các trường ĐH tổ chức xét tuyển.

Đến 17 giờ ngày 14.8, các trường hoàn thành việc thông báo TS trúng tuyển đợt 1.

Đến 17 giờ ngày 30.8, TS hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.