Trường ĐH Ngoại thương vừa thông báo, năm 2024 nhà trường dự kiến tuyển 4.130 chỉ tiêu ĐH chính quy cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. Đặc biệt, trường dự kiến tuyển sinh ngành khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Đồng thời, nhà trường bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với ĐH Queensland (Australia) ngành kinh doanh quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế (International Business) và phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Xem đầy đủ thông báo tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương ở đây.
Bổ sung điểm "sàn" cho các phương thức xét học bạ
Nhà trường vẫn giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh ĐH chính quy như năm 2023, tuy nhiên với từng phương thức nhà trường đưa ra yêu cầu mới về ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng. Theo đó, trường vẫn giữ các phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho một số đối tượng thí sinh, tuy nhiên nhà trường bổ sung yêu cầu ngưỡng điểm "sàn" điểm thi THPT 2024 mà các em phải đạt trong điều kiện nhận hồ sơ.
Phương thức 1 là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên.
Phương thức 2 là phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT, chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT.
Một trong những điều kiện nhận hồ sơ dự tuyển của thí sinh đăng ký xét tuyển theo 2 phương thức trên là có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Phương thức 3 là phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Một trong những điều kiện để xét theo phương thức 3 là thí sinh có tổng điểm 2 môn/bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường: toán - lý hoặc toán - hóa hoặc toán - văn đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường (dự kiến công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024).
Phương thức 4 là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường. Một trong những điều kiện nộp hồ sơ của thí sinh là có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24,0 điểm trở lên.
Phương thức 5 là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do các ĐH quốc gia tổ chức trong năm 2024. Riêng với phương thức này trường không yêu cầu ngưỡng "sàn" điểm thi tốt nghiệp THPT mà chỉ yêu cầu có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7,0 trở lên.
Phương thức 6 là phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Nhà trường cũng đưa ra lưu ý chung cho thí sinh với tất cả các phương thức xét tuyển: tại thời điểm đăng ký xét tuyển, thí sinh chưa cần nộp minh chứng về điều kiện tốt nghiệp THPT năm 2024 và điều kiện về ngưỡng điểm thi tốt nghiệp tối thiểu. Thí sinh cần nộp minh chứng về 2 điều kiện này để được xác định trúng tuyển vào trường và thực hiện việc xác nhận nhập học và nhập học chính thức tại trường sau khi có điểm thi tốt nghiệp và theo thời gian thông báo cụ thể của trường.
Bình luận (0)