Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Thí sinh được xét tuyển nhiều lần

16/01/2012 01:54 GMT+7

Năm nay, theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ không giới hạn số đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vì thế, thí sinh (TS) có cơ hội đăng ký vào nhiều trường và không hạn chế nguyện vọng.


Năm nay, dự kiến các trường được xét tuyển nhiều đợt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Được nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi

Để tránh kéo dài thời gian xét tuyển và gọi vượt chỉ tiêu, Bộ cần nới rộng biên độ về chỉ tiêu cho các trường, có thể quy định gọi vượt tối đa là 15% để đảm bảo các trường không bị vi phạm quy chế

Ông Lê Trọng Thắng
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự kiến Bộ chỉ quy định mức điểm sàn, không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được tổ chức trên nguyên tắc điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn và không vượt chỉ tiêu đã xác định. Các trường có thể tuyển nhiều đợt đến khi đủ chỉ tiêu. TS sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Khi trúng tuyển và quyết định nhập học tại một trường nào đó, TS mới phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường.

Hầu hết các trường ĐH đều ủng hộ chủ trương này. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, khẳng định: “Đây là một chủ trương hợp lý vì nên để các trường tự chủ trong xét tuyển. Bộ GD-ĐT chỉ nên kiểm soát chất lượng đầu vào bằng việc quy định mức điểm sàn”. Cùng quan điểm này, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng phương án này rất thuận lợi cho TS và các trường. TS được thỏa mãn về cơ hội xét tuyển và chọn được trường phù hợp với nguyện vọng. Các trường khó tuyển có thể tuyển nhiều đợt để đủ chỉ tiêu. Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng, lập luận: “Bộ giao cho các trường tự chủ trong xét tuyển là hợp lý. Điều quan trọng là đầu ra, các trường phải đạt chuẩn”.

Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, điều băn khoăn là các trường ĐH phải đối mặt tỷ lệ TS ảo rất cao. Ông Lê Hữu Lập - Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, lo ngại: “Các trường khó có thể biết trước có bao nhiêu TS nộp hồ sơ sẽ đến nhập học, vì vậy không biết gọi nhập học bao nhiêu cho vừa”. Ông Lê Trọng Thắng cũng dự báo: “Các trường có thể bị vượt chỉ tiêu do không chủ động về số lượng nhập học. Có thể thời gian tuyển sinh sẽ bị kéo dài vì phải tuyển nhiều lần”.

Tìm cách khắc phục

Dự báo số lượng TS ảo sẽ cao nhưng hầu hết các trường được hỏi ý kiến đều cho rằng có thể khắc phục được. Ông Lê Hữu Lập cho biết các trường có thể đặt ra một mốc thời gian nhất định cho việc xét tuyển. Phải có hạn cuối cùng để TS chủ động lựa chọn vì việc xét tuyển cũng cần phải kết thúc để khóa học bắt đầu. Để tránh rủi ro, các trường có thể gọi làm nhiều đợt nhưng quy định thời hạn cho TS nộp hồ sơ. Ví dụ sau vài ngày nhận giấy báo nhập học mà TS không đến thì các trường có quyền gọi tuyển đợt khác cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Ông Lê Trọng Thắng đề xuất: “Để tránh kéo dài thời gian xét tuyển và gọi vượt chỉ tiêu, Bộ cần nới rộng biên độ về chỉ tiêu cho các trường. Theo quy định hiện nay, các trường không được vượt quá 10% chỉ tiêu. Năm nay, có thể quy định tối đa là 15% để đảm bảo các trường không bị vi phạm quy chế”. Ông Thắng cũng cho biết: “Kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, các trường bao giờ cũng phải gọi vượt chỉ tiêu nhưng số lượng đến nhập học cũng ít khi đạt. Vì vậy, Bộ nên nới rộng biên độ này trong năm đầu tiên thí điểm mô hình mới để các trường không phải kéo dài thời gian xét tuyển. Sau đó, Bộ có thể điều chỉnh vào các năm tiếp theo”.

Thêm nhiều ngành học mới

PGS-TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm 2012 trường mở thêm 2 ngành học mới bậc ĐH gồm: dược (50 chỉ tiêu); kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (30 chỉ tiêu). Trường ĐH Tài chính Marketing cũng mở thêm 3 ngành học mới tuyển sinh khối A và D1, gồm: kinh doanh quốc tế (với các chuyên ngành: thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế); kinh doanh bất động sản (với các chuyên ngành: kinh doanh bất động sản, quản trị bất động sản); quản trị khách sạn (với các chuyên ngành: quản trị khách sạn - nhà hàng, quản trị dịch vụ giải trí, quản trị kinh doanh lữ hành). 

Hà Ánh

Đăng ký gian hàng chương trình Tư vấn mùa thi

Năm 2012, Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi cho học sinh cả nước. Bước qua năm thứ 15, chương trình tiếp tục có những cải tiến nhằm mang lại thông tin chính xác, kịp thời và bổ ích nhất cho thí sinh trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

Dự kiến kéo dài từ tháng 2 sang tháng 3, chương trình sẽ diễn ra tại 17 tỉnh, thành của cả nước, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị. 

Điểm đặc biệt trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên chính là truyền hình trực tiếp các buổi tư vấn cộng đồng trên sóng đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương. Song song là hoạt động “Mỗi lớp một chuyên gia” diễn ra ở từng lớp học để tư vấn sâu hơn về tuyển sinh và cơ hội ngành nghề.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của thí sinh, tại một số địa bàn trọng điểm sẽ có khu vực dành riêng cho việc tổ chức gian hàng, như: TP.HCM, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bên cạnh chương trình tư vấn trực tiếp, Báo Thanh Niên cũng sẽ phát hành sách Cẩm nang tuyển sinh, CD luyện thi trắc nghiệm, Bản tin online và website luyện thi trắc nghiệm trên www.thanhnien.com.vn nhằm truyền tải thông tin bổ ích tới thí sinh.

Các đơn vị có nhu cầu đăng ký gian hàng, vui lòng liên hệ với ban tổ chức qua email: [email protected] (điện thoại: 0904 111 176) hoặc [email protected] (điện thoại: 0919 841 873).

Thanh Niên

Vũ Thơ

>> Bắt đầu đăng ký tham gia chương trình Tư vấn mùa thi
>> Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Nhiều dự kiến đổi mới
>> Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Có thể thay đổi khối thi
>> Thay đổi trong tuyển sinh ở các trường ĐH
>> Có thể xét tuyển nhiều lần trong năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.