Các sở GD-ĐT phía bắc bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ trong ngày hôm qua - Ảnh: Ngọc Thắng |
Hồ sơ giảm mạnh
|
Ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các tỉnh đều nhận được số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) giảm so với năm ngoái. Thanh Hóa là tỉnh có số lượng hồ sơ ĐKDT lớn nhất khu vực phía bắc với gần 63.000 hồ sơ. Tuy nhiên, đại diện của Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết con số này đã giảm tới 16.000 so với năm ngoái. Những địa phương khác có số hồ sơ giảm mạnh là: Nam Định gần 10.000, Bắc Giang gần 6.000, Vĩnh Phúc gần 4.200, Hải Phòng hơn 4.000...
Hồ sơ giảm cũng giúp cho việc thí sinh ảo sẽ ít đi. Ông Tạ Văn Anh, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho hay hầu hết học sinh của tỉnh chỉ nộp 1 bộ, em nào nhiều nhất cũng chỉ 3 bộ, không còn tình trạng mỗi em 5 - 6 bộ như các năm trước. Ông Hoàng Hữu Bản, đại diện Sở GD-ĐT Thái Bình, nói năm ngoái có em nộp 10 bộ, năm nay số nhiều nhất là 7 bộ.
Chỉ có một số rất ít địa phương có số hồ sơ tăng nhẹ so với năm trước như Hà Nội, Bắc Kạn, Lai Châu…
Ngành tài chính - ngân hàng giảm mạnh
Ghi nhận cũng cho thấy, trong khối ngành kinh tế nói chung thì ngành tài chính - ngân hàng có xu hướng giảm rõ rệt nhất. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Ngân hàng, cho hay số hồ sơ mà trường nhận được khoảng 8.000, giảm tới 2.000 (20%) so với năm ngoái. “Dù cũng đã lường trước những khó khăn của ngành tài chính - ngân hàng sẽ tác động đến thí sinh, nhưng số lượng giảm nhiều như vậy nằm ngoài dự đoán của chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hóa, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thương mại, số hồ sơ năm nay nhận được giảm tới 9.000 so với năm ngoái. Hầu hết các tỉnh đều giảm từ 20-30%... Còn Học viện Tài chính tuy chưa thống kê cụ thể nhưng ông Phạm Văn Liên, Trưởng ban Đào tạo, cho biết: số hồ sơ giảm so với năm ngoái.
Qua việc nộp hồ sơ ĐKDT đã cho thấy thí sinh ngày càng thận trọng hơn trong việc lựa chọn ngành nghề. Với Hà Nội, năm nay Trường ĐH Công đoàn là trường có số lượng học sinh thủ đô ĐKDT đông nhất, thay thế vị trí của ĐH Công nghiệp (năm 2012). Cụ thể có tới hơn 10.000 hồ sơ đăng ký, tăng gần 4.000. Trong khi đó, số thí sinh ĐKDT vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảm tới hơn 800…
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân lại nhận được số hồ sơ tăng gần 2.000 bộ so với năm ngoái. Còn Trường ĐH Ngoại thương, bước đầu đã theo chiều hướng tăng khoảng hơn 500 bộ.
Khối C hắt hiu, ĐH vùng hút thí sinh
|
Trong khi hầu hết các tỉnh, số lượng hồ sơ ĐKDT khối A1 đều có xu hướng tăng thì khối C vẫn tiếp tục “giảm dần đều”, hầu như không có tỉnh nào tỷ lệ ĐKDT khối C đạt đến ngưỡng 10%. Thái Bình năm nay đã có 2.113 hồ sơ khối A1, chiếm 5% (năm ngoái là 2,9%) nhưng khối C chỉ chiếm 3,1%; Hà Nội khối A1 tăng lên hơn 10% nhưng khối C chỉ có hơn 4,2%; Thanh Hóa khối A1 tăng từ 1,49% (năm 2012) lên 3,2%; nhưng khối C vẫn chỉ ở mức 8%...
Học sinh các tỉnh có xu hướng ĐKDT để học các trường gần nhà, dễ đậu hơn. Hải Phòng có hơn 34.000 hồ sơ thì trong đó có 7.900 vào Trường ĐH Hải Phòng, 7.700 vào ĐH Hàng hải; 3.500 vào Y Hải Phòng… sau đó mới là các trường ở Hà Nội. Bắc Kạn có 4.477 hồ sơ thì có tới hơn 2.800 (tỷ lệ hơn 50%) vào ĐH vùng Thái Nguyên. Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng là lựa chọn cao nhất (6.554 hồ sơ) của học sinh tỉnh này. Lai Châu là tỉnh có số lượng hồ sơ ĐKDT thấp nhất miền Bắc với chỉ 3.144. Học sinh tỉnh này chủ yếu chọn các ngành nông - lâm nghiệp của ĐH Thái Nguyên.
Tuệ Nguyễn
>> Tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Ít hồ sơ đăng ký vào trường CĐ
>> Tăng lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013
>> Chờ duyệt lệ phí tuyển sinh ĐH - CĐ 2013
Bình luận (0)