Tuyển sinh ĐH: Chọn ngành ‘hot’ hay ngành ít thí sinh đăng ký?

23/04/2024 21:15 GMT+7

Trong vài năm gần đây, các trường ĐH mở nhiều ngành mới theo hướng tích hợp công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Vậy chọn ngành 'hot' hay ngành ít thí sinh đăng ký sẽ dễ tìm việc hơn khi ra trường?

Vấn đề trên được giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào đang 'nóng' trong năm nay?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 23.4.

Thí sinh tham gia chương trình Tư vấn Mùa thi của Báo Thanh Niên

Thí sinh tham gia chương trình Tư vấn Mùa thi của Báo Thanh Niên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngành nào đang 'nóng' ở các trường ĐH?

Trong chương trình tư vấn, PGS-TS Vân Thị Hồng Loan, Trưởng khoa Đào tạo đặc biệt Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết theo quan điểm cá nhân, ngành 'hot' hay ngành 'nóng' chính là những ngành xã hội đang có nhu cầu. Trong bối cảnh hiện nay, đó là những ngành nghề có sự liên kết với AI (trí tuệ nhân tạo), ngành có sự kết nối giữa công nghệ với các lĩnh vực truyền thống.

"Từ thực tế xét tuyển thời gian gần đây, các ngành được xem là 'hot' tại Trường ĐH Mở TP.HCM có thể kể đến như: quản trị kinh quanh, logistics, ngôn ngữ Anh… Các ngành này thường có tỷ lệ chọi cao hơn so với các ngành khác", PGS-TS Vân Thị Hồng Loan thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, thì cho rằng tất cả ngành nghề đều cần thiết với sự phát triển của xã hội. Trong số các ngành đào tạo tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, tiến sĩ Khả cho biết một số ngành được người học lựa chọn nhiều thuộc các lĩnh vực: kinh tế, công nghệ thông tin, ngôn ngữ.

"Các ngành vừa kể là những ngành có tỷ lệ chọi khá cao. Nhưng thực tế cũng cho thấy có những nhóm ngành ít thí sinh lựa chọn học hơn nhưng cơ hội việc làm rất tốt, sinh viên ra trường tìm được việc liền, ví dụ nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ", tiến sĩ Khả nói.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng những ngành học tích hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau là những ngành rất thu hút thí sinh trong giai đoạn hiện nay. Nêu ví dụ tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thạc sĩ Trắng cho biết một số ngành mới được mở theo xu hướng này như: thương mại điện tử, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ giáo dục… Cũng theo thạc sĩ Trắng, trong đợt xét tuyển đầu tiên dựa vào học bạ, các ngành thu hút nhiều thí sinh của trường gồm: quản trị kinh doanh, Đông phương học, logistics và quản lý chuỗi cung ứng…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết năm nay có 7 ngành mới như: kinh tế số, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, công nghệ thẩm mỹ… Trong tổng số 12.500 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, nhà trường dành 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành mới. Thông thường, không phải thí sinh nào cũng tiếp cận được thông tin các ngành mới. Do đó, cơ hội xét tuyển với thí sinh ở nhóm ngành này thường cao.

Tuy nhiên, thạc sĩ Xuân Dung cho rằng những ngành 'hot' không nhất thiết phải là những ngành mới hoàn toàn. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có những ngành đang có nhiều thí sinh quan tâm như truyền thông đa phương tiện dù đây không phải ngành mới mở trong năm nay.

Tuyển sinh ĐH: Chọn ngành ‘hot’ hay ngành ít thí sinh đăng ký?- Ảnh 2.

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến chiều nay

LÊ THANH HẢI

Có nên chọn học ngành "hot"?

Từ phân tích trên, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả cho rằng: "Không có ngành nghề nào 'hot' mọi thời điểm, chỉ có ngành nghề 'hot' với bản thân mỗi người. Do đó, thí sinh tuyệt đối đừng chọn ngành học theo người khác, mà cần chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân. Bởi theo không thể chọn đi rồi chọn lại. Chọn nghề sẽ gắn với chúng ta cả cuộc đời, chọn nghề giống như chọn một người bạn đời, không thể chọn đi rồi chọn lại. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cũng nhìn nhận: "Không phải ngành học nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Thí sinh chọn ngành hot đúng sở thích và năng lực là điều tốt, nhưng nếu các bạn chọn theo xu hướng, trào lưu mà không phù hợp thì sẽ phải chuyển ngành, mất thời gian, tiền bạc". Do đó, chuyên gia này cho rằng, dù 'hot' hay không, khi lựa chọn thí sinh cần đầu tư nghiêm túc cho quá trình tìm hiểu các ngành đó.

"Khi tìm hiểu 1 ngành nghề cần tìm hiểu cả mặt trái, những khó khăn chứ không chỉ phần "màu hồng" của công việc đó. Tìm hiểu để biết bản thân có thể chấp nhận được những khó khăn thử thách đó hay không. Và khi đã chọn rồi phải cố gắng nỗ lực hết sức, chỉ trường hợp bất khả kháng mới nên tìm một cơ hội khác", thạc sĩ Dung khuyên.

Với những thí sinh còn băn khoăn về ngành nghề, PGS-TS Vân Thị Hồng Loan khuyên: "Các bạn phải hiểu mình là ai, thích hướng nào. Từ đó, thí sinh nên chọn các ngành trong cùng một nhóm ngành, tránh tình trạng chọn 1 ngành ngôn ngữ Nhật, 1 ngành công nghệ thông tin, 1 ngành về quản trị kinh doanh. Khi chọn như vậy có nghĩa bạn không hiểu về mình".

Thạc sĩ Trần Văn Trắng cũng khuyên: "Chọn ngành nên dựa vào sở thích, năng lực bản thân. Chính sự yêu thích sẽ giúp người học vượt qua chướng ngại trong quá trình học tập và làm việc sau này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.