Tuyển sinh ĐH không để tác động xấu đến giáo dục phổ thông

10/08/2024 06:11 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh, nhưng không được để cho việc này có tác động xấu trở lại với giáo dục phổ thông.

Hôm qua 9.8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị giáo dục ĐH 2024 nhằm tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học tới. Một trong những nội dung được hội nghị đề cập là công tác tuyển sinh, trong đó đặt ra vấn đề giải quyết ảnh hưởng tiêu cực từ các phương thức xét tuyển sớm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội nghị.

NHIỀU NƠI CHƯA ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG TRONG XÉT TUYỂN

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết chỉ tiêu tuyển sinh tăng đều với các trình độ (ĐH, sau ĐH) trong 3 năm vừa qua, cho thấy năng lực đào tạo của toàn hệ thống không ngừng tăng lên. Số thí sinh (TS) xét tuyển vào các cơ sở ĐH có tỷ lệ tăng rất tốt. Minh chứng tiêu biểu cho nhận định này là số TS dự thi tốt nghiệp THPT tăng 6,9%, nhưng số TS đăng ký xét tuyển ĐH tăng 11,12%.

Tuyển sinh ĐH không để tác động xấu đến giáo dục phổ thông- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (giữa), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (trái) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy chủ trì hội nghị

MINH THU

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng đến mùa tuyển sinh năm nay, trên toàn hệ thống vẫn còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng. "Chúng tôi cũng đã yêu cầu các trường phân tích đối sánh tính công bằng giữa chỉ tiêu xét tuyển cho từng phương thức, tuy nhiên báo cáo của các trường cho đến nay chưa đầy đủ. Việc phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho TS và cho hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được TS ảo", bà Thủy nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhận định: "Công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho TS trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các TS và giữa các cơ sở đào tạo".

ĐỀ NGHỊ BỘ GD-ĐT BỎ PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH SỚM

Trong phần thảo luận của hội nghị, PGS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem xét để bỏ phương thức tuyển sinh sớm. PGS Trần Thiên Phúc lý giải các phương thức tuyển sinh sớm giúp TS biết mình đủ điều kiện trúng tuyển vào thời điểm các em chưa hoàn thành chương trình THPT. Mặt khác, trong quá trình tuyển sinh, một số cán bộ, giảng viên đã đề nghị TS ghi nguyện vọng tuyển sinh sớm lên nguyện vọng đầu, khiến TS có nguy cơ bỏ lỡ nguyện vọng thực sự phù hợp với mình, gây hệ lụy thiếu sự công bằng trong tuyển sinh.

PGS Trần Thiên Phúc cho biết từ năm 2022, được sự hỗ trợ của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thử phương án tuyển sinh tổng hợp. Nghĩa là nhà trường dùng tất cả các tiêu chí như thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, các hoạt động của học sinh… tổng hợp để thành điểm xét tuyển. Cách thức này tạo sự công bằng cho mọi TS trong xét tuyển khi mà hiện nay không có cơ sở nào để cho rằng việc chia chỉ tiêu cho nhiều phương án là công bằng. "Năm 2022, khi chúng tôi bắt đầu làm thì có ý kiến lo ngại sẽ khó tuyển sinh, do phương án này "đặc biệt" quá. Nhưng năm đó số lượng nguyện vọng đăng ký là 8.500, năm nay tăng gấp đôi, 17.200 nguyện vọng. Điều đó cho thấy đây là cách thức tuyển sinh tốt", PGS Trần Thiên Phúc chia nói.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, thì đề xuất Bộ GD-ĐT cần sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh 2025, khi năm 2025 là năm đầu tiên có kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. "TS chỉ thi 4 môn, vì thế việc chọn tổ hợp xét tuyển của các em sẽ có những thay đổi, không hẳn là những tổ hợp 3 môn và tối đa 4 tổ hợp như chúng ta đang áp dụng hiện nay. Các trường sẽ chủ động về việc này, nhưng cũng cần sớm có kế hoạch chung", TS Lê Trường Tùng nói.

SẼ TĂNG CHẾ TÀI NHẰM HẠN CHẾ TÁC HẠI CỦA TUYỂN SINH SỚM

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Vì thế, trong vấn đề tuyển sinh, chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới để phù hợp với sự đổi mới toàn hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục ĐH.

Tuyển sinh ĐH không để tác động xấu đến giáo dục phổ thông- Ảnh 2.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, phát biểu tại hội nghị

MINH THU

"Nhưng chúng ta lưu ý, các trường ĐH cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, cho nên thời gian tới cần xem xét. Các em học sinh trúng tuyển sớm sẽ có tâm lý không muốn học nữa, điều đó rất tai hại. Các trường thì yên tâm về số lượng sẽ trúng tuyển vào trường mình, chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, dẫn đến điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng cho TS trong cơ hội được vào các trường ĐH tốt. Việc này về phía Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh, cho xã hội. Bức tranh tuyển sinh hiện nay cho thấy "truyền thống chen lấn xô đẩy còn mạnh lắm". "Đừng nhiều (phương án) quá, đừng phức tạp quá. Các trường ĐH tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Về việc này, Bộ GD-ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Kết quả cho thấy nguồn tuyển dồi dào, trường ĐH uy tín thì không lo. Không có gì phải chen lấn xô đẩy", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng dẫn số liệu thống kê hiện nay cho thấy khối giáo dục ngày càng có nguồn tuyển sinh phong phú. Số học sinh vào lớp 1 năm nay là 1,9 triệu, đây là tin rất vui của trường ĐH 10 năm sau: "Số thi tốt nghiệp THPT vừa rồi là 1,1 triệu em, đăng ký xét tuyển vào ĐH là 733.000 em. Từ lớp 2 đến lớp 11 hiện nay bình quân mỗi khối có 1,63 triệu học sinh, càng xuống lớp thấp số học sinh càng lớn. Nói như thế để thấy chúng ta rất lạc quan về số lượng, thỏa mãn nhu cầu nguồn tuyển cho các thầy cô. Số sinh viên vào học đại học hằng năm sẽ tăng dần lên, đó là tất yếu. Chúng ta phải chuẩn bị chỗ cho sinh viên học, nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần phải lo, đó là về chất lượng".

Cần khắc phục triệt để sự thiếu công bằng

Theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh năm 2024 sẽ được hoàn thành theo kế hoạch chung và những quy định hiện hành, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GD-ĐT và của cơ sở đào tạo. Đồng thời các trường cũng cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.

Với tuyển sinh từ năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ có các giải pháp bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Bộ sẽ hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Kết luận hội nghị, khi quay lại chủ đề tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu Vụ Giáo dục ĐH khẩn trương phối hợp để có dự thảo sớm nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho TS. "Các trường thực hiện tự chủ nhưng không có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông. Cần quan tâm đến tuyển sinh đa dạng cũng như tuyển sinh sớm hiện nay, các trường ĐH cần đưa ra những kinh nghiệm hay để thực hiện", ông Hoàng Minh Sơn chỉ đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.