Tuyển sinh ĐH: Phá vỡ truyền thống có ảnh hưởng chất lượng?

10/07/2024 06:06 GMT+7

Năm 2024, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trở thành trường công lập đầu tiên đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển (tổ hợp B03 gồm toán, sinh, ngữ văn) với ngành điều dưỡng và y tế công cộng.

Đây chỉ là một ví dụ về việc thay đổi cách tuyển sinh đang diễn ra tại nhiều trường ĐH khiến dư luận có nhiều ý kiến.

THÊM MÔN VĂN, TIẾNG Anh tuyển sinh khối ngành sức khỏe

Trước Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có nhiều trường ĐH ngoài công lập "khởi xướng" việc đưa thêm môn văn vào tổ hợp xét tuyển các ngành thuộc khối sức khỏe.

Tuyển sinh ĐH: Phá vỡ truyền thống có ảnh hưởng chất lượng?- Ảnh 1.

Nhiều trường thêm tổ hợp có môn văn xét tuyển khối ngành sức khỏe

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụ thể, Trường ĐH Văn Lang, ngoài tổ hợp truyền thống là B00 (toán, hóa, sinh), thì ngành y khoa thêm tổ hợp D12 (văn, hóa, tiếng Anh) và ngành điều dưỡng thêm tổ hợp C08 (văn, hóa, sinh).

Trường ĐH Võ Trường Toản xét ngành y khoa bằng tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh), B03 (toán, sinh, văn), D08 (toán, sinh, tiếng Anh), ngành dược học cũng có tổ hợp C02 (toán, hóa, văn) và D07 (toán, hóa, tiếng Anh).

Trường ĐH Duy Tân xét thêm tổ hợp B3 (toán, sinh, văn) và A16 (toán, khoa học tự nhiên, văn) cho ngành dược và điều dưỡng; thêm tổ hợp A16 (toán, khoa học tự nhiên, văn) cho ngành y khoa và răng hàm mặt.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét B03 (toán, sinh, văn) cho ngành quản lý bệnh viện, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét thêm tổ hợp C08 (văn, hóa, sinh), S07 (toán, hóa, tiếng Anh) cho các ngành dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học...

Có thể dễ dàng nhận thấy trong các tổ hợp có môn văn (hoặc tiếng Anh), thì các môn được xem không thể thay thế của khối ngành sức khỏe là hóa hoặc sinh, đặc biệt là sinh, vẫn được giữ lại.

BỎ THI NĂNG KHIẾU NGÀNH KIẾN TRÚC

Trong khi đó, ở một lĩnh vực khác, từ năm 2019 trở về trước, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển sinh ngành kiến trúc bằng các tổ hợp có môn năng khiếu là V00 (toán, lý, hình họa mỹ thuật) và V01 (toán, văn, hình họa mỹ thuật) nhưng từ năm 2020, trường không còn sử dụng điểm thi năng khiếu để xét ngành kiến trúc (và hiện nay thêm chuyên ngành kiến trúc cảnh quan), thay vào đó là xét tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh) và C01 (toán, văn, tiếng Anh). Sau khi trúng tuyển và nhập học, thí sinh mới phải tham dự một buổi kiểm tra năng khiếu vẽ tại trường.

Trong thời gian qua, việc thay đổi cách tuyển sinh, cụ thể là thêm các tổ hợp môn xét tuyển thay vì chỉ dùng một khối thi truyền thống như trước đây, xuất phát từ quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH. Cụ thể, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép bên cạnh các khối thi truyền thống, các trường được thay đổi tổ hợp xét tuyển với điều kiện phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét theo các khối thi truyền thống. Đến năm 2016, tỷ lệ đã được hạ xuống thành ít nhất 50%.

Từ năm 2017, thời điểm mà Bộ GD-ĐT gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi ĐH vào làm một, thí sinh phải thi 5 bài thi gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thì đã có gần 190 tổ hợp mới ra đời từ các khối thi truyền thống. Mỗi ngành học được các trường sử dụng rất nhiều tổ hợp và dẫn đến tranh cãi khi một số ngành thêm các tổ hợp mới, môn mới hoặc bỏ đi môn được xem là truyền thống như đã nêu ở trên.

Tuyển sinh ĐH: Phá vỡ truyền thống có ảnh hưởng chất lượng?- Ảnh 2.

Nhiều trường vẫn tổ chức kỳ thi năng khiếu để xét tuyển ngành kiến trúc, riêng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bỏ môn này khỏi tổ hợp xét tuyển từ năm 2020

MỸ QUYÊN

BỔ TRỢ THÊM PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết bên cạnh tổ hợp truyền thống, trường đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y từ năm 2022 sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và từ kinh nghiệm đào tạo của trường. "Lãnh đạo các bệnh viện mong muốn tuyển dụng được các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tính nhân văn, biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Vì vậy, môn văn cũng rất có ý nghĩa, góp phần đánh giá toàn diện thí sinh".

Theo tiến sĩ Hải, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện đặt ra yêu cầu chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực người học. "Vì thế việc bổ sung thêm một số môn mới mà vẫn giữ môn kiến thức chủ đạo, xuyên suốt của ngành học trong điều kiện đổi mới đào tạo ĐH hiện nay, cũng là điều hợp lý, và cũng không ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Kỳ thi đánh giá năng lực là kiến thức tổng hợp nhiều môn, cũng hoàn toàn lựa chọn được thí sinh có năng lực để tham gia học ở bất cứ ngành nào", tiến sĩ Hải cho hay.

Một cán bộ của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng lý giải năm nay trường đưa thêm môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành điều dưỡng và y tế công cộng là muốn làm toàn diện thêm chất lượng đầu vào, đảm bảo đầu ra có đủ năng lực về thăm khám, chẩn đoán, điều trị và chữa lành bệnh nhân về cả thể chất lẫn tinh thần. "Thấu hiểu và chia sẻ được tâm lý của bệnh nhân cũng là một phần kiến thức, kỹ năng, thái độ của bác sĩ. Do vậy, việc tăng cường môn văn là xu thế đúng trong tuyển sinh và đào tạo y khoa trong xã hội hiện đại", vị cán bộ chia sẻ.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng môn văn giúp phát triển khả năng giao tiếp, viết lách và tư duy nhân văn. "Đây là những kỹ năng cần thiết cho các chuyên viên y tế khi họ cần hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của bệnh nhân", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SAU KHI TRÚNG TUYỂN

Đối với việc bỏ môn năng khiếu ra khỏi tổ hợp xét tuyển ngành kiến trúc, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng bộ môn Kiến trúc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: "Rất nhiều trường ĐH ở nước ngoài cũng không thi tuyển môn năng khiếu vẽ cho ngành kiến trúc. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tham khảo nhiều chương trình quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo. Với chương trình này, sinh viên vào trường sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng vẽ trong 2 năm đầu với tổ hợp 3 môn gồm hình họa, ký họa cơ bản và ký họa nâng cao. Sau đó, các em phải trải qua kỳ thi để đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng học thiết kế chuyên ngành".

Sau nhiều năm tuyển sinh đầu vào ngành kiến trúc có môn năng khiếu, tiến sĩ Quốc Vinh nhận thấy điểm môn năng khiếu vẽ không thực sự cần thiết vì nó không đảm bảo cho việc có thể trở thành một kiến trúc sư giỏi sau này.

"Các em luyện thi chủ yếu theo kiểu học tủ, vẽ theo mẫu có sẵn chứ chưa có tư duy và cảm nhận. Thiết kế là một việc phức tạp hơn vẽ rất nhiều. Khi vào trường, điểm năng khiếu này gần như là con số 0. Nhiều em vẽ rất đẹp, rất giỏi nhưng thiếu tư duy logic trong thiết kế thì cũng khó trở thành kiến trúc sư. Với xu thế công nghệ phát triển như hiện nay, kiến trúc sư giỏi không cần vẽ đẹp theo cách hiểu truyền thống mà phải tổ chức được không gian, màu sắc, hình khối, ánh sáng và có khả năng điều khiển AI để tạo ra một không gian đẹp", tiến sĩ Quốc Vinh chia sẻ.

Theo tiến sĩ Quốc Vinh, cách tuyển sinh "phi truyền thống" này đã giúp thí sinh không mất thời gian luyện thi trước đó, còn thầy cô có thể đào tạo theo mục tiêu của chương trình. Tiến sĩ Quốc Vinh cho hay đến nay vẫn chưa có em nào không đạt và bị loại.

Thay đổi điều kiện xét tuyển khiến Bộ GD-ĐT "tuýt còi"

Gần đây, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội lại khiến dư luận phản ứng khi ra điều kiện xét tuyển đối với thí sinh nữ từ 1 m 58, nam từ 1 m 65, thể lực tốt, thị giác tốt, khiến dư luận phản ứng. Trước đó, năm 2023, trường này ra điều kiện chiều cao đối với tất cả các ngành trong khi năm 2021, 2022 chỉ yêu cầu thí sinh nữ từ 1 m 58, nam từ 1 m 65, thể lực tốt, thị giác tốt đối với riêng ngành quản trị và an ninh.

Việc này đã khiến Bộ GD-ĐT phải gửi công văn đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ đạo trường nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong đề án tuyển sinh ĐH năm 2024, bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.