Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Đề văn thiếu tính thời sự

07/06/2018 13:54 GMT+7

Một giáo viên trường chuyên tại Hà Nội cho rằng câu nghị luận xã hội trong đề thi văn lớp 10 tại Hà Nội thiếu tính thời sự và có tính khiên cưỡng, còn câu hỏi phần đọc hiểu thì không bao quát...

Nói chung đề thi không hay, không tạo điều kiện cho thí sinh sinh thể hiện sự sáng tạo trong suy nghĩ. Và hơn hết sẽ khó lòng khiến học sinh thay đổi cách học và yêu môn văn.

Giáo viên M.L.T, dạy tại một trường THCS, Q.2, TP.HCM, nhận xét: “Đề thi văn lớp 10 của Hà Nội thiên về truyền thống, mang nhiều tính học thuật như kiểm tra kiến thức. Cũng có vận dụng kiến thức để viết đoạn, liên hệ nhưng không nhiều”.

Qua các câu hỏi, giáo viên trên nhận xét, đề vẫn chưa thật sự phát huy hết được sự sáng tạo và sự cảm nhận của học sinh, như vậy thì độ phân hóa không cao. “Đề kiểm tra kiến thức nhiều như thế sẽ dễ tạo ra việc học sinh trúng tủ, văn mẫu. Và như vậy thì không kích thích sự sáng tạo và đầu tư của các em ở bộ môn này”, giáo viên T. nhấn mạnh.


Tương tự, thầy giáo A.Đ.Đ, giáo viên một trường THPT tại Q.1, TP.HCM, đưa ra nhận xét: “Đề tuyển sinh môn văn lớp 10 ở Hà Nội không mới, các câu hỏi không tạo hứng thú cho thí sinh, mang nặng tính học thuộc lòng...”.

Giáo viên Nguyễn Hữu Dương, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), người gợi ý giải đề thi đăng trên báo Thanh Niên cho biết: Cấu trúc đề thi giống như đề thi các năm trước (gồm 2 phần liên quan đến 2 đoạn trích trong 2 tác phẩm văn học). Tất cả học sinh đều không cảm thấy bỡ ngỡ trước cấu trúc quen thuộc này.
Phần 1: Liên quan đến một đoạn trích trong tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, phần này gồm 3 câu hỏi : Câu 1 là một câu hỏi rất căn bản, học sinh khi học tác phẩm chắc chắn phải hiểu rõ tác giả và năm sáng tác.
Câu 2 là một câu hỏi về tiếng Việt. Câu hỏi này cũng nằm trong chương trình cơ bản của phần ngữ pháp, yêu cầu của câu hỏi cũng không quá khó, học sinh ở trình độ trung bình dễ dàng trả lời được câu hỏi này. Tuy nhiên câu hỏi còn yêu cầu học sinh nói về tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ. Đấy là một phần hỏi tương đối khó với học sinh trung bình.
Câu 3 là phần hỏi mới so với các năm trước. Câu hỏi tuy không khó (chép thuộc lòng 1 câu thơ) nhưng nếu học sinh không nhớ, không thuộc thì khó trả lời chính xác được, nhất là khi câu thơ ấy chỉ nằm trong một bài thơ mà lại được học ở lớp dưới chứ không phải trong chương trình lớp 9.
Câu 4 thuộc loại câu hỏi liên quan đến việc đọc, hiểu văn bản và kỹ năng viết văn. Về nội dung câu hỏi đề cập đến nét chính của văn bản: hình ảnh người lao động. Do đó, học sinh phải nắm được tinh thần của đoạn thơ và có kỹ năng viết văn thì mới có thể làm tốt được câu hỏi này (trong việc viết đoạn, học sinh phải đáp ứng thêm một số yêu cầu cụ thể: viết theo lập luận, diễn dịch khoảng 12 câu, có phép lặp, có thành phần phụ chú và phải có gạch dưới ở thành phần phụ chú và phép lặp). Đây là một câu khó đối với học sinh, nó có thể tạo được sự thuận lợi cho việc tuyển sinh.

Phần II liên quan đến tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Câu 1 là câu hỏi về hoàn cảnh xuất hiện của lời thoại và yêu cầu học sinh phải giải thích nghĩa của từ được sử dụng trong lời thoại. Đây là một câu hỏi có thể là khó đối với học sinh bởi lẽ học sinh có thể xác định không đúng như yêu cầu của đáp án.
Câu 2 là một câu đòi hỏi khả năng đọc hiểu của học sinh đối với văn bản. Học sinh không hiểu rõ đặc điểm của nhân vật, chi tiết của truyện, khó trả lời chính xác và đầy đủ. Do đó, câu này rất phù hợp với mục đích tuyển sinh.
Câu 3 xét ở trình độ học sinh, đây cũng có thể xem là một câu hỏi khó. Nó là một câu nghị luận xã hội với yêu cầu học sinh phải viết được 2/3 trang giấy thi để bàn về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta. So với năm trước, đây là một yêu cầu mới, khó hơn. Tuy nhiên nó là một vấn đề tương đối quen thuộc. Cho nên học sinh vẫn có nhiều thuận lợi để làm bài tốt.
So với đề thi năm trước, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự nhưng độ khó hơn. Đề cũng có tính chất mở ở phần II.3 và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh lớp 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.