Tuyển sinh lớp 10: Không nên chỉ cứng nhắc một cách thi hoặc xét tuyển

24/02/2023 07:35 GMT+7

Theo các chuyên gia, có thể thực hiện dung hòa việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức vừa thi vừa xét tuyển.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF), dẫn quy định tại Thông tư 03 ban hành năm 2019 của Bộ GD-ĐT: tuyển sinh vào THPT sẽ có 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét. Việc lựa chọn được giao cho UBND cấp tỉnh.

Tuyển sinh lớp 10: Không nên chỉ cứng nhắc một cách thi hoặc xét tuyển - Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất có thể thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức vừa thi vừa xét tuyển tùy khu vực để giảm áp lực thi cử

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo ông Ân, trong 3 phương án Bộ GD-ĐT cho phép có phương án vừa thi và xét tuyển; và lẽ ra các địa phương nên tận dụng để dung hòa, tránh cực đoan chỉ thi hoặc chỉ xét tuyển. Ngay tại Hà Nội, thi vào lớp 10 thì mức độ cạnh tranh căng thẳng, khốc liệt chỉ thuộc về các trường top đầu thuộc khu vực trung tâm, nội thành nên khu vực ngoại thành hoàn toàn có thể xét để tuyển sinh vào lớp 10 với tinh thần giảm được áp lực tới đâu hay tới đó.

Thực tế mức độ chênh lệch lớn về "tỷ lệ chọi" và điểm chuẩn vào lớp 10 ở khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, năm 2022, theo phân tích của PV Thanh Niên, nhiều trường ở khu vực nội thành Hà Nội có " tỷ lệ chọi" vào lớp 10 THPT công lập là 1 "chọi" 2 - 3, ngược lại không ít trường ngoại thành số đăng ký dự thi còn thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, có tới gần 10 trường tại các huyện ngoại thành có số lượng TS  đăng ký nguyện vọng 1 không bằng số lượng chỉ tiêu được giao. Ví dụ, Trường THPT Đại Cường, số đăng ký là 285 trong khi chỉ tiêu tới 315;  Trường THPT Bất Bạt, số đăng ký 369, chỉ tiêu tới 495. Trường THPT Minh Hà, số đăng ký chỉ 373 trong khi chỉ tiêu là 450. Trường THPT Bắc Lương Sơn, số đăng ký 406 nhưng chỉ tiêu là 450. Trường THPT Tự Lập, số đăng ký chỉ 268 trong khi chỉ tiêu tới 450. Trường THPT Ba Vì số đăng ký 642, chỉ tiêu là 675. Trường THPT Minh Quang, số đăng ký 253, chỉ tiêu là 405 và THPT Đại Cường, số đăng ký 285, chỉ tiêu là 315…

Tương tự, điểm chuẩn vào lớp 10 giữa khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội cũng chênh lệch rất lớn. Ví dụ năm 2022, Trường THPT Chu Văn An tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn vào lớp 10 với 43,25 điểm. Tiếp đến là Trường THPT Yên Hòa 42,25 điểm, THPT Phan Đình Phùng 42 điểm... Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm chuẩn được tính bằng tổng số điểm của 3 môn thi ngoại ngữ, toán, ngữ văn và điểm ưu tiên, trong đó điểm môn toán và ngữ văn nhân hệ số 2. Như vậy, TS  muốn đỗ vào Trường THPT Chu Văn An, nếu không tính điểm ưu tiên phải đạt trung bình từ 8,65 điểm mỗi môn. Tương tự, muốn vào Trường THPT Yên Hòa hay THPT Phan Đình Phùng, TS  phải có mức điểm trung bình mỗi môn đạt lần lượt từ 8,45 và 8,4. Trong khi đó, một số trường khác lại có mức điểm chuẩn chỉ hơn 3 điểm/môn (chưa tính điểm ưu tiên) đã giành được một suất vào trường THPT công lập, như Trường THPT Bắc Lương Sơn 15 điểm, THPT Mỹ Đức C 15,75 điểm, THPT Đại Cường 16,5 điểm. Hai Trường THPT Bất Bạt và THPT Minh Quang năm nay cùng có mức điểm chuẩn là 17 và THPT Ba Vì là 17,5 điểm. Đây cũng là những trường có điểm chuẩn thấp của các năm trước do chỉ tiêu tuyển sinh chỉ bằng hoặc thậm chí cao hơn so với số HS  đăng ký nên nhìn chung HS  chỉ cần không bị điểm liệt là có khả năng đỗ vào trường THPT đã đăng ký…

Tuyển sinh lớp 10: Không nên chỉ cứng nhắc một cách thi hoặc xét tuyển - Ảnh 2.

Tuyển sinh lớp 10 là một kỳ thi khá căng thẳng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM

NHẬT THỊNH

Từ thực tế này, ông Ân cho rằng, trong phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố, thậm chí một huyện thì nên chọn phương án linh hoạt giữa thi và xét chứ không nên cứng nhắc đã thi là cả tỉnh, cả huyện đều thi. Những địa bàn mà số HS đăng ký dự tuyển tương đương với chỉ tiêu được giao thì kỳ thi sẽ không còn ý nghĩa, trái lại còn gây căng thẳng, tốn kém không cần thiết cho thí sinh. Hơn nữa, nên tạo cơ hội cho HS tốt nghiệp THCS được học THPT ở gần nhà thì phương thức xét tuyển sẽ an toàn, thuận lợi nhất cho các em.

Ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm, càng hạn chế thi cử thì càng giảm áp lực cho phụ huynh, HS và xã hội, chưa nói thi cử nhiều thì còn tốn kém. "Phương án thi là cách làm dễ nhất cho cơ quan quản lý nhưng không phải cách làm tốt nhất cho giáo dục", ông Ân nói và phân tích: thi giải quyết câu chuyện khó đánh giá bằng định tính để chọn HS. Thi là định lượng nên dễ làm. Theo ông Ân, nên bám sát tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Trong đó đã chỉ rõ phải chuyển đổi nhà trường, chuyển đổi giáo dục. Những gì tốt đẹp thì nên duy trì phát triển. Và điểm cốt lõi nhất nằm ở dạy học phát triển năng lực HS. "Dù cải cách gì mà không cải tiến đột phá thi cử thì cũng không thay đổi gì, thậm chí còn quay lại như cũ. Lâu nay chúng ta rất hăng hái học để đi thi có kết quả cao và thi kết quả cao mặc nhiên là học giỏi mà không quan tâm cách thức thi cử thế nào… Mục đích của giáo dục là dạy làm người chứ không phải dạy mỗi kiến thức", ông Ân nhấn mạnh.

PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) từng chia sẻ với Thanh Niên về việc nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành nghiên cứu việc học trong 1 năm học của HS lớp 6, lớp 7 ở một số trường THCS ở Hà Nội và một số thông tin thu nhận được là HS phải chịu áp lực lớn, thậm chí có tâm lý tiêu cực bởi thi cử.

Do vậy, theo bà Thơ, khi làm tốt đánh giá trong quá trình thì chắc chắn chất lượng học tập sẽ tốt. Thay vì dùng công cụ thi tập trung tạo áp lực học tập thì hãy chú trọng để đánh giá trong quá trình học tập, giúp việc dạy tử tế, học tử tế được diễn ra. Đánh giá quá trình đòi hỏi thực hiện thường xuyên, bám sát vào việc học, vì vậy, nó sẽ có quan hệ mật thiết với nội dung dạy học, phương pháp dạy học. Thực hiện đánh giá quá trình đi liền với việc cải thiện nội dung và cách dạy, cách học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.