Chỉ còn khoảng 5 tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra. Trong giai đoạn nước rút này, không khí học tập của học sinh lớp 9 hết sức ráo riết.
Ở môn ngữ văn, tâm lý chung của nhiều học sinh là luôn sợ mình bị trừ điểm vì viết không đủ ý hoặc bài làm chưa đủ dài. Chính vì vậy, các em cố ép mình phải viết thật nhiều. Trong một số trường hợp, nỗi sợ ấy đã dẫn các em đến những lỗi sai rất cơ bản.
Ở phần Đọc hiểu văn bản thường có một câu hỏi về tiếng Việt. Khi đề yêu cầu chỉ ra một biện pháp tu từ hoặc một phép liên kết trong văn bản, nhiều học sinh sẽ nêu ra tất cả những biện pháp tu từ và phép liên kết mà mình tìm được. Điều này vừa gây mất thời gian vừa dễ dẫn đến cái sai vì có những kiến thức các em chưa thật chắc là đúng song các em vẫn đưa vào bài với tinh thần: thà viết lầm hơn bỏ sót. Với câu hỏi số 4 của phần Đọc hiểu văn bản, đề không yêu cầu viết đoạn văn nhưng một số em dù yếu về diễn đạt vẫn cố gắng viết bằng được đoạn văn mới thôi. Điều này khiến các em mắc những lỗi sai về từ ngữ và cách đặt câu. Khi đó giám khảo khó hiểu được trọn vẹn ý của các em, mà các em lại còn bị trừ điểm vì diễn đạt thiếu trôi chảy.
Bị trừ điểm vì quá thừa
Ở phần Nghị luận xã hội, khi đề thi tuyển sinh lớp 10 đưa ra nhiều phương án và yêu cầu các em bàn về một trong các phương án ấy, nhiều học sinh có xu hướng nói về tất cả các phương án rồi mới bắt đầu lựa chọn phương án mình tâm đắc nhất. Nếu việc điểm qua các phương án chỉ giới hạn trong mấy dòng thì không sao cả. Còn nếu các em dành dung lượng quá nhiều cho việc nhận xét chung về tất cả các phương án thì các em đã sai về kỹ năng làm bài. Chưa kể với dung lượng một trang giấy thi mà ôm đồm quá nhiều vấn đề, các em sẽ không thể bàn luận thấu đáo bất cứ vấn đề nào. Đây là lỗi sai diễn ra dai dẳng trong nhiều năm. Học sinh luôn sợ thiếu và chính vì thế, các em bị trừ điểm vì quá thừa. Đề yêu cầu nghị luận về một khía cạnh của lòng yêu thương, các em sẽ bàn về tất cả những gì liên quan đến lòng yêu thương. Đề yêu cầu bàn về vô cảm trong gia đình, suốt bài mình, các em sẽ bàn cả về vô cảm trong xã hội. Đây chính là lý do làm điểm thực tế của các em thấp hơn rất nhiều so với điểm dự đoán.
Đến với phần Nghị luận văn học, lỗi sai do viết quá nhiều mà không ý thức đúng yêu cầu đề của học sinh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đề đòi hỏi bàn về nhân vật qua một đoạn trích thì học sinh sẽ bàn về nhân vật trong cả tác phẩm. Đề yêu cầu cảm nhận về một tác phẩm rồi liên hệ với một tác phẩm khác thì học sinh phân tích cả hai tác phẩm. Đây là lỗi sai nghiêm trọng về kỹ năng. Lỗi sai này chứng tỏ người viết chưa nắm vững cách làm bài, chưa xác định đúng yêu cầu trọng tâm của đề và chưa biết phân phối dung lượng bài cho hợp lý. Những bài như vậy tất nhiên điểm không thể nào cao, nếu không nói là thấp.
Khi nhận kết quả thi lớp 10, nhiều học sinh sẽ ngỡ ngàng vì mình đã viết thật nhiều so với các bạn, thậm chí viết bằng tất cả niềm hăng say mà sao điểm vẫn chẳng như ý. Đó là vì nỗi sợ viết thiếu luôn ám ảnh đã khiến các em rơi vào việc sai kỹ năng làm bài. Để khắc phục điều này, các em nên tham khảo đáp án môn ngữ văn trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm qua nhằm rút ra cho mình những định hướng đúng đắn khi làm bài, tránh bị mất điểm oan uổng.
Bình luận (0)