Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không thiếu trường lớp, sao vẫn xếp hàng trắng đêm?

07/07/2023 06:05 GMT+7

Việc nhận hồ sơ nhập học vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay ở một số trường ngoài công lập khiến bức tranh tuyển sinh chung trở nên bấn loạn, khi các trường dù thông báo điểm chuẩn nhưng phụ huynh vẫn phải xếp hàng cả đêm để giành suất học cho con.

Đó là chưa kể còn tái diễn tình trạng điểm chuẩn tăng như "chơi chứng khoán" trong tuyển sinh lớp 10.

Từ thông báo: Dừng nhận hồ sơ khi tuyển đủ chỉ tiêu

Tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con vào lớp 10 một số trường tư ở Hà Nội lại xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm nay. Không ít trường hợp đủ hoặc thừa so với điểm chuẩn nhưng vì "chậm chân" nên đã phải ra về trong tiếc nuối và bức xúc. Cả 3 trường xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm để nhập học cho con đều là trường tư thục hoặc trường công tự chủ.

Khác với trường công lập và một số trường tư khác, khi thông báo điểm chuẩn, ban tuyển sinh của 3 trường này đều lưu ý: "Nhà trường sẽ dừng nhận hồ sơ khi tuyển đủ chỉ tiêu". Chính lưu ý trên khiến phụ huynh dự định cho con vào trường "ăn không ngon, ngủ không yên", đã rủ nhau đến chầu chực tại cổng trường từ đêm hôm trước để chắc suất nhập học cho con.

Đại diện các trường này thì cho biết chưa thể tìm ra phương án khả thi vì học sinh (HS) không đăng ký dự tuyển nguyện vọng (NV) vào trường trước khi thi như trường công lập để có thể tính toán sẽ có bao nhiêu HS nhập học vào trường.

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không thiếu trường lớp,  sao vẫn xếp hàng trắng đêm? - Ảnh 1.

Phụ huynh xếp hàng để nhập học cho con vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Cầu

NHƯ Ý

Có trường vẫn tăng điểm chuẩn như "chơi chứng khoán"

Trước mùa tuyển sinh năm nay, tại hội nghị tuyển sinh đầu cấp, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã cảnh báo các trường tư không để tái diễn tình trạng điểm chuẩn tăng theo buổi như đã từng xảy ra cách đây vài năm ở cá biệt một số trường. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo đó và sự hoang mang của phụ huynh, Trường THPT Hoàng Cầu năm nay lại làm phụ huynh "thót tim" khi áp dụng mức điểm chuẩn tăng dần. Ban đầu, nhà trường thông báo điểm chuẩn là 37, nhưng khi thấy phụ huynh xếp hàng trắng đêm thì đến tầm 9 giờ sáng nhà trường đã thông báo điểm chuẩn đợt 2 là 38 điểm rồi 38,5 điểm… Điều này khiến phụ huynh lo ngại HS nhập học sau giờ đó mà được dưới 38 điểm sẽ mất cơ hội trúng tuyển.

Học sinh Hà Nội có thiếu chỗ học ?

Về ý kiến cho rằng HS thủ đô đang thiếu chỗ học, đặc biệt là trường công lập, nên phụ huynh phải chen lấn để giành suất cho con vào trường tư, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương quả quyết: Hà Nội không thiếu chỗ học. Hiện nay trên địa bàn TP có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu HS thủ đô.

Trao đổi thêm về nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học, ông Cương cho biết hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và các sở, ngành khác tham mưu cho UBND TP cập nhật, tích hợp chung vào quy hoạch thủ đô tầm nhìn 2030 - 2050; phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN-MT, UBND các quận huyện, thị xã của TP để dành quỹ đất triển khai xây trường học, đồng thời xem xét, thu hồi các dự án chậm triển khai để xây dựng các trường học trong nội đô còn thiếu trường học.

Phân trần với PV Thanh Niên về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận có việc thông báo điểm chuẩn đợt sau cao hơn đợt trước nhưng lại khẳng định phụ huynh đến sau dù có mức điểm chuẩn từ 37 điểm vẫn được tiếp nhận hồ sơ.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết: Sau khi tiếp nhận các thông tin trên, Sở đã yêu cầu các trường cụ thể chấn chỉnh, đồng thời ra một văn bản chung yêu cầu tất cả các trường THPT trên địa bàn TP phải thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh. Trong đó, yêu cầu suốt thời gian tuyển sinh, các trường THPT chịu trách nhiệm phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực (kể cả thứ bảy, chủ nhật), công khai số điện thoại, đường dây tư vấn, hỗ trợ tuyển sinh để kịp thời hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho HS và cha mẹ HS.

"Ban giám hiệu phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình tuyển sinh, tuyệt đối không để HS, cha mẹ HS tụ tập ngoài cổng trường gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn", ông Cương nhấn mạnh.

Đối với các trường tư thục, Sở GD-ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu được Sở giao và theo đúng kế hoạch đã công bố của nhà trường; thực hiện nghiêm túc quy định, công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không thiếu trường lớp, 
sao vẫn xếp hàng trắng đêm? - Ảnh 3.

Tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con vào lớp 10 một số trường tư ở Hà Nội lại xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm nay

TRỌNG TÀI

Không được gây khó dễ cho học sinh khi rút hồ sơ

Nhiều phụ huynh và HS băn khoăn: Phải chăng HS trúng tuyển NV 1 sẽ được ưu tiên nhập học trước rồi sau đó mới đến các NV tiếp theo? Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi (Sở GD-ĐT Hà Nội), nhấn mạnh: "Một trong những nguyên tắc xét tuyển vào trường THPT công lập mà Sở GD-ĐT đã quy định, đó là các NV (1, 2, 3) được xét tuyển bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên".

Tuy nhiên, ông Toản cũng lưu ý về điểm chuẩn của các NV. Cụ thể, HS không trúng tuyển NV 1 được xét tuyển NV 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường 1 điểm. HS không trúng tuyển NV 1 và NV 2 được xét tuyển NV 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường 2 điểm. Các trường không được tự ý tăng các mức điểm này.

71.745 học sinh trúng tuyển lớp 10 vào trường công lập

Sau khi công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết toàn TP có 71.745 HS trúng tuyển vào trường công lập, chiếm 59,9% tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS. Như vậy, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập thực tế sau khi xác định điểm chuẩn là gần 60% (59,9%), cao hơn so với kế hoạch đã công bố ban đầu là 57%.

Có 15 HS nhiều NV trúng tuyển nhất, mỗi em trúng tuyển 5 NV vào các lớp chuyên và không chuyên trường THPT công lập.

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, ở đợt tuyển sinh tiếp theo, sau khi hạ điểm chuẩn, Sở dự kiến sẽ tuyển sinh bổ sung HS trúng tuyển vào lớp 10 các trường công lập, theo đó, tỷ lệ sẽ còn cao hơn.

Ngoài ra, trên địa bàn TP hiện có 13 trường THPT công lập tự chủ và trường công lập hiệp quản (thuộc các cơ sở giáo dục đại học) đang tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu khoảng 5.500 HS.

Cũng theo ông Toản, nếu trong trường hợp trường NV 1 hạ điểm chuẩn, HS có thể hủy xác nhận nhập học tại trường NV 2 (hoặc NV 3) để xác nhận nhập học tại NV 1 (sau khi trường hạ chuẩn hoặc trúng tuyển sau phúc khảo). Đây cũng là quy định đã được công khai, HS hoàn toàn yên tâm nếu đủ điều kiện trúng tuyển và thực hiện đúng các quy định.

Ông Toản lưu ý, trong thời gian xác nhận nhập học, cha mẹ HS cũng có thể đến trường nộp hồ sơ trúng tuyển và hoàn tất thủ tục nhập học. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được thu các khoản ngoài quy định trong thời gian tuyển sinh và gây khó dễ cho HS về chuyện rút - nộp hồ sơ trúng tuyển.

Từ năm sau không được nhận hồ sơ trực tiếp

Nhiều ý kiến cũng cho rằng bước vào thời đại 4.0, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ thì cách thức làm các thủ tục nhập học trực tiếp là rất lạc hậu và khó có thể chấm dứt được tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm như đã và đang diễn ra ở Hà Nội.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương khẳng định: "Để tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, tạo điều kiện cho HS và phụ huynh, Hà Nội phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025 tất cả các trường trên địa bàn triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.