Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Trường tốp đầu tăng sức nóng

24/06/2020 07:08 GMT+7

Ngày 23.6, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học tới, để học sinh và phụ huynh cân nhắc nguyện vọng dự tuyển.

Căng thẳng “tỷ lệ chọi” trường tốp đầu

Tỷ lệ chọi vào các trường tốp đầu vốn đã căng thẳng thì năm nay có vẻ càng tăng thêm sức hút khi nhiều trường có tỷ lệ học sinh (HS) đăng ký dự tuyển nguyện vọng (NV) 1 tăng đến 20% so với năm trước.
Cao nhất là Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi 1/3,4 trong khi năm trước là 1/2,4. Tiếp đến là Kim Liên với 1/2,6; Yên Hòa có tỷ lệ chọi là 1/2,4; Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn (Hà Đông) đều có tỷ lệ chọi 1/2,3.
Các trường tốp đầu khác như: Việt Đức và Trần Phú (Hoàn Kiếm) đều có số lượng đăng ký dự tuyển NV1 tăng khoảng 15% so với năm trước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có thay đổi đáng kể. Những trường như Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Kim Liên năm nay số chỉ tiêu được giao giảm từ 2 - 3 lớp (tương ứng là 120 và 90) nhưng số đăng ký NV1 lại có xu hướng tăng. Như vậy, cuộc đua vào các trường này năm nay sẽ căng thẳng hơn.
Nhiều trường thuộc tốp 2 của Hà Nội (căn cứ vào điểm chuẩn các năm, so sánh trên từng khu vực tuyển sinh) năm nay lại có tổng số đăng ký tăng vọt, nhưng đa số vào NV2.
Chẳng hạn, Trường THPT Đoàn Kết có 3.842 HS đăng ký, trong đó NV2 là 3.058; Thạch Bàn có tổng đăng ký là 3.056, trong đó riêng NV2 có trên 2.000; Quang Trung có tổng đăng ký là 3.263, riêng NV2 là 3.058 HS…
Năm ngoái Trường THPT Thăng Long, một trường vốn đứng đầu trong danh sách tốp đầu, đã gây “sốc” trong dư luận khi điểm chuẩn lần 1 tụt dốc, chỉ có 40 điểm nhưng vẫn không tuyển đủ HS và phải hạ tới 10 điểm (còn 30 điểm). Trường này còn phải tuyển NV3 các HS thuộc khu vực tuyển sinh số 1, 2, 3, 4 có tổng điểm xét tuyển từ 42 trở lên. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng năm nay có thể HS sẽ đổ xô đăng ký dự thi vào trường này vì những tiếc nuối của năm trước. Trên thực tế, nhìn vào số lượng đăng ký dự thi mà Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố thì số lượng dự tuyển vào trường có cao hơn nhưng không phải quá nhiều. Năm nay, THPT Thăng Long có 1.122 HS đăng ký NV1 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 600 (tỷ lệ chọi là 1/1,9) trong khi năm ngoái chỉ tiêu là 675 HS nhưng chỉ có 901 HS đăng ký, tỷ lệ chọi là 1/1,3. Đáng chú ý, năm nay có tới 454 HS đăng ký NV2 vào trường, trong khi năm ngoái chỉ có 49 HS đăng ký.

Cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, HS muốn thay đổi NV dự tuyển thì nộp đơn (có mẫu) tại các phòng GD-ĐT trong 2 ngày 24 - 25.6. Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, lưu ý: “HS có thể thay đổi NV dự tuyển nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, HS chỉ được thay đổi NV dự tuyển giữa các trường trong cùng một khu vực tuyển sinh đã đăng ký; riêng NV dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên thì không được thay đổi”.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, một trong những trường dẫn đầu về chất lượng đầu ra của Hà Nội, cho biết HS lớp 9 của trường hầu hết đăng ký vào 2 trường THPT tốp đầu là THPT Chu Văn An và Phan Đình Phùng… Kinh nghiệm mọi năm cho thấy có khoảng 20% HS sẽ thay đổi NV sau khi biết số lượng đăng ký dự thi vào từng trường.
“Tôi thường nói với HS từ trước khi đăng ký NV là trước hết phải căn cứ vào lực học của mình, so sánh với mức điểm chuẩn ổn định của trường THPT và ưu tiên thuận tiện trong việc đi lại để tránh phải di chuyển quá vất vả mỗi ngày đến trường. Tỷ lệ chọi cũng chỉ là một thông tin để tham khảo, cân nhắc nhưng không nên chỉ căn cứ vào đó để thay đổi NV”, ông Hà nói.
Xung quanh việc HS phải cân não chọn rồi đổi NV, nhiều ý kiến cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như các địa phương khác cần xem xét lại, có thể có cách làm phù hợp hơn để HS không bị trượt một cách tức tưởi. Một bạn đọc gửi bình luận đến Báo Thanh Niên: “Tại sao không để thi xong, có kết quả, em nào có kết quả cao thì chọn vào trường có tiêu chuẩn cao, em nào thấp thì vào trường tiêu chuẩn thấp hơn. Như vậy đảm bảo ai cũng có chỗ học vừa sức của mình”.
Trả lời Thanh Niên về bình luận này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ở các nước cũng vậy, HS phải định hướng vào trường nào trước rồi mới dự tuyển. Khả năng của mỗi cá nhân HS đã được thể hiện và biết qua quá trình học tập ở cấp học đó; không phải qua kỳ thi mới biết được khả năng. Việc đăng ký NV trước hay sau chỉ là vấn đề kỹ thuật. “Đề xuất chọn NV sau khi có kết quả thi cũng là nội dung các nhà quản lý đã và đang nghiên cứu. Việc lựa chọn kỹ thuật nào ở thời điểm nào đều được tính toán để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho số đông người dân”, ông Toản thông tin thêm. 
Học sinh “né” đăng ký vào THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ?
Trường THPT chuyên “căng” nhất là Chu Văn An, có 2.406 HS đăng ký dự thi trong chỉ tiêu cho 10 lớp chuyên 350 HS. Tiếp đến là THPT chuyên Nguyễn Huệ, có tới 2.606 HS đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu là 525 cho 12 môn chuyên với 15 lớp. Trong khi đó, tỷ lệ chọi của THTP chuyên Hà Nội - Amsterdam lại “dễ thở” hơn với 2.322 HS đăng ký, tổng chỉ tiêu là 595 cho 16 lớp của 12 môn chuyên. Điều này có thể được lý giải HS có xu hướng “né” đăng ký vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để tăng cơ hội trúng tuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.