Tuyển sinh vào lớp 10: Thay đổi những quyết định gây tranh cãi

27/02/2024 07:09 GMT+7

Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 ở nhiều địa phương đang gây tranh cãi, có những quy định riêng khiến Bộ GD-ĐT phải ra văn bản 'tuýt còi'.

DỪNG ƯU TIÊN TUYỂN THÍ SINH CÓ CHỨNG CHỈ IELTS

Đầu tháng 2, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập. Theo đó, thí sinh (TS) có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương được miễn thi tiếng Anh, quy đổi thành 9 điểm môn này, áp dụng với cả trường chuyên và không chuyên. Điểm quy đổi với chứng chỉ 4.5 và 5.0 IELTS là 9,5 và 10 điểm.

Tuyển sinh vào lớp 10: Thay đổi những quyết định gây tranh cãi- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi lớp 10 năm học 2023-2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đây là năm thứ ba liên tiếp Quảng Trị miễn thi tiếng Anh với học sinh (HS) có IELTS. Hai năm trước, tỉnh đã áp dụng cách xét tuyển này, nhưng với mức cộng điểm "dễ" hơn: đạt 4.0 IELTS, TS được tính 10 điểm.

Trả lời báo chí, ông Mai Huy Phương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết có hai lý do để tỉnh áp dụng chính sách này. Một là tạo động lực cho HS, giúp các em học tốt ngoại ngữ hơn. Hai là giảm áp lực thi cử "không cần thiết" với những TS đã có chứng chỉ.

Tuyên Quang còn "mạnh tay" hơn trong ưu tiên tuyển sinh với TS có IELTS. Từ năm 2022, tỉnh này tuyển thẳng TS đạt 5.0 IELTS vào trường THPT công lập không chuyên. Với trường phổ thông dân tộc nội trú và lớp chuyên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Tuyên Quang, yêu cầu lần lượt là 6.0 và 7.0 IELTS. Nếu có IELTS mà chưa đủ điểm để tuyển thẳng, TS được cộng 1-2 điểm, tùy trường.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang, cho biết chính sách nhằm đẩy mạnh việc học tiếng Anh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương. Điểm trung bình thi tốt nghiệp môn tiếng Anh nhiều năm của địa phương này đều dưới trung bình.

Ngoài Quảng Trị và Tuyên Quang, nhiều địa phương khác như Vĩnh Long, Bình Dương, Lào Cai năm nay cũng cộng điểm ưu tiên hoặc miễn thi môn tiếng Anh cho TS có IELTS từ 4.0. Các năm trước, nhóm địa phương tuyển thẳng TS có IELTS còn có Nghệ An, Phú Thọ. Năm ngoái, để đỗ vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), TS phải đạt tối thiểu 7.0, các trường khác dao động 6.0 - 6.5. Phú Thọ chỉ áp dụng ở các trường đại trà, với yêu cầu đạt từ 6.5 IELTS trở lên. Hai tỉnh này năm nay chưa công bố phương án tuyển sinh lớp 10.

TP.HCM sẽ tuyển sinh lớp 10 năm nay như thế nào?

Như vậy, dù các địa phương đều đã áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh với TS có chứng chỉ ngoại ngữ từ vài ba năm trước nhưng năm nay thông tin này được báo chí đăng tải và gây nên các cuộc tranh luận trên mạng xã hội nên có vẻ như Bộ GD-ĐT mới "phát hiện có vấn đề" và ra văn bản "tuýt còi". Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc ưu tiên tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ là "không đúng quy định" và yêu cầu: "Các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại điều 7, văn bản hợp nhất số 715/BGDĐT-GDTrH và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan".

Chuyên gia: "Việc dừng tuyển Sinh bằng IELTS là đúng"

Ông Nguyễn Quốc Vương, một chuyên gia giáo dục, cho rằng dùng IELTS tuyển sinh lớp 10 cũng có cái hợp lý. Để có chứng chỉ IELTS, HS cũng phải nỗ lực rồi có năng lực ngôn ngữ - tư duy nhất định. Nhưng nó cũng vô lý vì bất công với các HS không có điều kiện học và thi IELTS vì tốn kém mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo. Hơn nữa, HS THPT thì cần học nhiều thứ chứ không chỉ là tiếng Anh. Do vậy, theo ông Vương, việc dừng tuyển sinh bằng IELTS là đúng. Về lâu dài, để giảm căng thẳng thì cần có đủ trường công để HS không phải thi khi muốn học tiếp lên lớp 10. Các gia đình có điều kiện hoặc muốn có cách thức giáo dục cá biệt hóa thì có thể chọn môi trường tư thục.

TRƯỜNG TƯ KHÔNG NẰM TRONG DIỆN BỊ "TUÝT CÒI"

Ngoài các tỉnh trên, ở Hà Nội, phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ IELTS được nhiều trường ngoài công lập như Archimedes Academy, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm... áp dụng.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi các trường THPT tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đã thông báo cộng điểm ưu tiên cho HS có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có giải thưởng cấp tỉnh thì có sai quy định hay không. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường này được tự chủ trong tuyển sinh, song phải báo cáo và được sở phê duyệt về kế hoạch, phương án.

Còn chính các địa phương nằm trong đối tượng bị Bộ GD-ĐT yêu cầu điều chỉnh cũng tỏ ra khá băn khoăn và "lấy làm tiếc". Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng những địa phương dùng IELTS để tuyển thẳng cần xem xét nhưng chủ trương của Quảng Trị là phù hợp vì chỉ dùng chứng chỉ để miễn thi môn tiếng Anh chứ không thay thế các môn khác. Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho biết sẽ rà soát lại xem chính sách tuyển sinh mà tỉnh áp dụng mấy năm nay có chịu tác động từ quyết định của Bộ hay không, song sẽ rất tiếc nếu không được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển nữa.

"QUAY XE" VỚI SỐ MÔN THI

Như Thanh Niên ghi nhận, đến thời điểm này hầu hết các địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 đều chọn phương án thi 3 môn dù trong đó có những tỉnh các năm trước đều thi tới 4-5 môn. Địa phương hiếm hoi là Bắc Giang dù đã ban hành quyết định tổ chức thi 4 môn thì ngày 21.2 vừa qua Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang xem xét giảm, chỉ thi 3 môn (văn, toán và tiếng Anh); bỏ môn thi thứ tư (bốc thăm trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân).

Tuyển sinh vào lớp 10: Thay đổi những quyết định gây tranh cãi- Ảnh 2.

Hầu hết các địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 và đều chọn phương án thi 3 môn

NGUYỄN TRƯỜNG

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, lý giải HS lớp 9 hiện nay trong 4 năm học THCS thì có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các em đang học chương trình giáo dục phổ thông 2006; năm tiếp theo lên lớp 10 THPT được học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (HS được lựa chọn môn học theo năng lực, sở trường). Do vậy, việc chỉ tổ chức thi 3 môn sẽ giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và HS.

Động thái này của Sở GD-ĐT Bắc Giang dù là tình huống "quay xe" nhưng được đánh giá là thay đổi tích cực theo hướng lắng nghe ý kiến của dư luận và giảm áp lực không cần thiết cho HS.

Tỏ ra thận trọng hơn, Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng đưa ra hai phương án cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập để khảo sát ý kiến HS, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó, phương án 1 là TS dự thi 3 môn gồm toán, ngữ văn, tiếng Anh. Phương án 2 là TS dự thi 4 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn và bài tổ hợp. Bài thi tổ hợp sẽ có kiến thức ngoại ngữ và 1 môn được bốc thăm từ trong các môn còn lại. Lý giải về việc đưa ra khảo sát, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết nhằm đạt sự đồng thuận cao trong xã hội, đồng thời là căn cứ để đơn vị trình UBND TP về phương thức tuyển sinh phù hợp nhất.

Xu hướng thi ít môn có vẻ không chỉ dừng lại ở 3 môn mà còn ít hơn nữa. UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm học tới. Theo đó, tỉnh này bỏ môn tiếng Anh ra khỏi kỳ thi, giữ lại hai môn toán và ngữ văn. Số lượng môn thi chỉ còn 2. Riêng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, số môn thi vẫn được giữ nguyên như thông lệ gồm 4 bài thi: toán, ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên.

HS giỏi cấp tỉnh cũng không nằm trong đối tượng ưu tiên

Trước khi Bộ GD-ĐT ra văn bản, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD-ĐT về chính sách cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho những HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9 cấp thành phố. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên về đề xuất này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10 với giải thi HS giỏi cấp tỉnh cũng không đúng với quy định tại Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3.5.2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong năm 2024 Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.