Theo hướng dẫn Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố, học sinh có nguyện vọng dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ trải qua 2 vòng tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực.
Học sinh nộp hồ sơ dự tuyển tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ ngày 7.7 đến trước 17 giờ ngày 9.7 tới.
Ở vòng sơ tuyển, ngoài quy định học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đã hoàn thành chương trình tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu học bạ của các năm từ lớp 2 phải đạt “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Điểm sơ tuyển bằng tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên (nếu có). Những học sinh có điểm sơ tuyển từ 137 điểm trở lên mới được tham gia kiểm tra ở vòng 2.
Vòng 2 sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực với học sinh đạt yêu cầu ở vòng sơ tuyển. Học sinh phải thực hiện 3 bài kiểm tra: toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Hình thức kiểm tra kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Thời gian làm bài 45/phút/môn.
Thời gian kiểm tra được ấn định trong ngày 24.7 với lịch thi buổi sáng gồm môn tiếng Việt và tiếng Anh; buổi chiều thi môn toán.
Thang điểm bài kiểm tra tính theo thang điểm 10. Điểm tuyển sinh là tổng số điểm các bài kiểm tra. Căn cứ điểm chuẩn xét tuyển vào trường, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Có giảm áp lực điểm toàn 10 trong học bạ?
So với năm 2019, điểm sơ tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giảm 2 điểm và áp lực điểm 10 ở tiểu học cũng giảm một chút. Năm nay, Hà Nội cũng bỏ quy định số học sinh cần đạt với từng khối lớp ở tiểu học khi xét hồ sơ ở vòng sơ tuyển. Dù vậy, số điểm điều kiện để lọt vào vòng 2 cũng vẫn rất cao, với 137 điểm.
Để đạt được điểm sơ tuyển này, nếu không có điểm ưu tiên thì hầu hết các môn học ở cấp tiểu học, học sinh phải đạt điểm 10, chỉ chấp nhận khoảng 3 điểm 9 trong học bạ trong suốt 5 năm học.
Như Thanh Niên đã phản ánh, năm 2019 dư luận “dậy sóng” vì quy định ngặt nghèo của vòng sơ tuyển mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra với học sinh muốn thi tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Theo đó, học bạ của học sinh sẽ phải đạt điểm “toàn 10” mới có đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vòng 2 (kiểm tra, đánh giá năng lực 3 bài toán, tiếng Việt, tiếng Anh).
Cụ thể là tổng điểm bài kiểm tra cuối năm môn toán và tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học, điểm kiểm tra cuối năm lớp 4 và lớp 5 môn khoa học, lịch sử và địa lý. Điểm sơ tuyển sẽ là tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên.
Tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9; còn lại là phải toàn điểm 10. Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý.
Nhìn vào điều kiện sơ tuyển này, rất nhiều chuyên gia, nhà giáo đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về áp lực thành tích và không loại trừ việc tiêu cực "làm đẹp học bạ" để đủ điều kiện dự tuyển vào các trường danh tiếng như Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Bình luận (0)