(iHay) Hoa bụp giấm không chỉ dùng làm xi-rô hay gỏi cực ngon mà còn thể hiện độ ngon tinh tế qua món canh chua hay lẩu. Trong kỳ này, chúng ta cũng sẽ trở lại với hũ xi-rô hoa bụp giấm đã "ngâm" ở kỳ trước.
>> Tuyển tập' món ngon từ hoa bụp giấm
|
Cuối tuần ăn lẩu, ngày thường ăn canh
Nếu như với canh chua lá bụp giấm, lá được cho vào sau cùng để tạo vị chua thì với canh chua hoa bụp giấm, bạn sẽ cho hoa vào nồi nước sôi từ đầu, nấu mềm rồi cho cá hoặc tôm, thịt vào nấu chín. Khi nước sôi lại thì cho các loại rau vào, rau thường dùng cho canh chua hoa bụp giấm là rau muống, thơm và đậu bắp. Cuối cùng, bạn nêm nếm rồi cho thêm rau om, ngò gai là có một nồi canh chua thơm ngon, lạ miệng.
Ngày cuối tuần, nếu muốn có bữa ăn “hoành tráng” hơn, bạn hãy nấu lẩu chua với hoa bụp giấm. Cách làm giống như lẩu Thái nhưng bạn sẽ dùng hoa bụp giấm tạo vị chua thay vì thơm và cà. Lúc này nước lẩu sẽ có màu đỏ sậm hơi… lạ mắt.
Thưởng thức xi-rô ngon mê ly!
Xi-rô hoa bụp giấm ngon mê ly - Ảnh: Minh Hòa
Trở lại với hũ xirô bụp giấm của bạn, khi đã bước qua ngày thứ ba, đường đã dần tan hết, những hạt tinh thể trắng muốt nhường chỗ cho màu đỏ thắm của bụp giấm. Lúc này, bạn có thể mở nắp và nếm thử xem vị ngọt đã vừa chưa. Hãy chú ý, cái hương cái vị của nước bụp giấm có thể sẽ làm người lần đầu chạm lưỡi "say" đến độ quên mất mình đang làm gì. Hãy bình tĩnh và xem xét xem nước bụp giấm đã đủ ngọt chưa, nếu cần hãy cho thêm đường và lại đậy kín hũ. Đừng nôn nóng, chờ đợi món ngon luôn là niềm vui sướng tuyệt vời!
Khi ngâm bụp giấm được khoảng 5-7 ngày, đường trong hũ sẽ tan hết. Xin chúc mừng, bạn đã hoàn thành món xirô hoa bụp giấm! Vớt khoảng 2/3 lượng cánh hoa ra khỏi hũ, rồi cho cả hũ vào tủ lạnh dùng dần trong vài tháng.
Cánh hoa bụp giấm ngâm đường có thể dùng để ăn tươi, làm sinh tố, làm nhân bánh kem. Còn xirô bụp giấm thì ngoài pha với đá làm nước giải khát cũng được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món khác như rau câu, sữa chua hoặc sên đặc lại thành mứt ăn với bánh mì.
Sau khi cho xirô vào tủ lạnh, hãy ăn thử cánh hoa đã vớt ra, nếu cánh hoa trở nên giòn ngọt (còn dai thì chưa được) thì mang sên mứt. Bạn cho cánh hoa lên chảo nóng, sên với lửa nhỏ cho đến khi nước rút hẳn là đã có món mứt hoa bụp giấm. Món mứt này còn được gọi bằng cái tên mỹ miều khác là “mứt hoa hồng”.
Đến đây, chắc bạn đã hiểu vì sao tôi gọi hoa bụp giấm là loài hoa diệu kỳ, nó có thể được biến hóa linh hoạt để tạo thành nhiều món ngon khác nhau. Chúc bạn có những khoảnh khắc khám phá đầy thú vị cùng hoa bụp giấm!
Phạm Như Quỳnh
>> Bụp giấm diệu kỳ
>> Lẩu cá đầu thỏ, ăn cho đều kêu cho rõ
>> Trổ tài làm lẩu tôm chua cay
Bình luận (0)