Tuyển thủ quốc gia gom huy chương đại hội

17/12/2014 08:00 GMT+7

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 khép lại tối qua sau 15 ngày tranh tài. Bên cạnh những mảng sáng về thành tích, bức tranh mô tả sự kiện thể thao quốc nội 4 năm mới có một lần này vẫn đọng lại không ít gam màu xám.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 khép lại tối qua sau 15 ngày tranh tài. Bên cạnh những mảng sáng về thành tích, bức tranh mô tả sự kiện thể thao quốc nội 4 năm mới có một lần này vẫn đọng lại không ít gam màu xám.

 >> Điền kinh chưa tạo đột phá tại Đại hội TDTT toàn quốc
 >> Quang Liêm, Thanh Trang thất thủ ở Đại hội TDTT toàn quốc
 >> Nhiều tay vợt trẻ lên tiếng tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014
 >> Vất vả kinh phí tổ chức Đại hội TDTT
 >> Nhiều 'dấu lặng' tại môn cầu lông Đại hội TDTT toàn quốc

Thi đấu điền kinh trong điều kiện thời tiết lạnh khiến nhiều VĐV không đạt thành tích tốt - Ảnh: Ngô Nguyễn 
Thi đấu điền kinh trong điều kiện thời tiết lạnh khiến nhiều VĐV không đạt thành tích tốt - Ảnh: Ngô Nguyễn

Đại hội thu hút gần 10.000 vận động viên (VĐV) tranh tài ở 45 môn, phân môn thể thao nhưng chỉ 46 kỷ lục quốc gia (QG) bị phá. Con số này quá khiêm tốn so với 102 kỷ lục QG được phá ở Đại hội TDTT toàn quốc 4 năm trước.

Chênh lệch đẳng cấp

 

Không được phép “bao sân”

Sau đại hội, Tiểu ban về luật sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm sâu sắc những vấn đề còn bất cập và đưa ra một số định hướng cho tương lai. Trong đó, không đợi đến đại hội của 4 năm sau tại An Giang, mà ngay từ năm 2015 trở về sau, giải vô địch quốc gia các môn thể thao sẽ phải thay đổi điều lệ. Ví dụ, một VĐV đẳng cấp như Ánh Viên không được phép “bao sân” toàn bộ các nội dung thi đấu mà phải nhường cho các đoàn khác.

Công bằng mà nói, đại hội đã chứng kiến một vài dấu ấn khó quên như ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (Quân đội) đã vượt kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) đã lập kỷ lục QG mới ở nội dung 400 m rào với thành tích 55 giây 49, tốt hơn thông số 56 giây 29 đã giúp Huyền đoạt HCĐ ASIAD 17 vừa qua. 

Thế nhưng chính sự chênh lệch đẳng cấp của các VĐV là tuyển thủ QG với các VĐV còn lại khiến đại hội mất đi sự hấp dẫn. Ở điền kinh, Vũ Thị Hương, Phạm Thị Bình, Trần Huệ Hoa, Nguyễn Văn Lai vẫn đoạt HCV dù thông số thành tích không quá ấn tượng. Tay bơi số 1 VN Nguyễn Thị Ánh Viên thậm chí đăng ký tranh tài ở 17 nội dung cá nhân, trong đó có những nội dung không phải sở trường nhằm thâu tóm huy chương. Một mình cô mang về cho Quân đội 17 HCV cá nhân và góp công đầu ở tấm HCV tiếp sức. Cũng vì tranh tài quá nhiều nội dung để “gom” huy chương mà Ánh Viên có dấu hiệu quá tải và thành tích của cô không nhiều ấn tượng khi phá nhiều kỷ lục đại hội nhưng chỉ lập nên 2 kỷ lục QG ở cự ly 50 m tự do và 50 m bướm. Nhiều HLV bơi lội cho rằng sẽ rất nguy hại cho Ánh Viên bởi cường độ thi đấu quá cao như vậy dễ khiến cô bị chấn thương. Ở môn cử tạ, các lực sĩ hàng đầu VN trong đó có Thạch Kim Tuấn dù lập “mưa kỷ lục” đại hội nhưng chẳng đạt được kỷ lục QG nào.

Không thể đổ hết lỗi cho thời tiết

Không đột phá về chuyên môn, Đại hội TDTT toàn quốc lần này còn để lại những “vết nhơ” như sự cố trọng tài và HLV môn vật lao vào đánh nhau. Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình mới khánh thành đã dột trần làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn ở môn cầu lông, tranh cãi về nhân sự ở môn bóng bàn…

Điều kiện thi đấu cũng là trở ngại. Tỉnh Nam Định chi 150 tỉ đồng để xây mới bể bơi có mái che và hệ thống nước nóng. Nhưng hệ thống này có vẻ như bị tê liệt trước sự khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc. Không dám kêu than với lãnh đạo ngành, nhiều VĐV chỉ biết bày tỏ sự búc xúc trên trang cá nhân hoặc với báo chí: “Nam Định lạnh kinh khủng khiến chúng tôi khởi động gần chết mà vẫn không nóng người lên được” hoặc: “Phải ngâm mình trong nước lạnh chỉ 13 độ là điều quá sức chịu đựng”.

VĐV Hà Sơn Vũ của đội bóng chuyền TP.HCM than thở rằng trời quá lạnh nên VĐV chủ lực Nguyễn Trung Nam của đội bị sưng tấy ngón chân, không thể thi đấu. Thời tiết cũng là nguyên nhân khiến lượng khán giả theo dõi quá ít, khiến đại hội vắng như chùa Bà Đanh. Nhưng nếu đổ hết “lỗi” cho thời tiết thì oan quá. Lỗi ở đây, phải chăng thuộc những nhà hoạch định chiến lược cho thể thao VN, đã chọn thời điểm tổ chức không hợp lý, làm hạn chế khá nhiều về mặt chuyên môn cũng như hình ảnh của đại hội.

Suy cho cùng, Đại hội TDTT cũng là sân chơi quá tốn kém. Hàng nghìn tỉ đồng đổ vào nhưng cái thu liệu có là bao? Chưa kể gánh nặng về thành tích cũng là một trong những lý do dẫn đến việc mua bán, đổi chác huy chương (những “giao dịch ngầm”) mà ngành thể thao không sao kiểm soát nổi.

Không bất ngờ

Là đơn vị có nhiều tuyển thủ QG nhất, không bất ngờ khi Hà Nội chiếm ngôi nhất toàn đoàn với 167 HCV; TP.HCM xếp hạng nhì với 124 HCV và Quân đội xếp hạng 3 với 75 HCV. Cùng với quy định mới về thưởng huy chương đại hội cho những VĐV đạt thành tích cao ở giải quốc tế như ASIAD, SEA Games..., Hà Nội, TP.HCM và Quân đội tiếp tục tăng vọt huy chương cũng nhờ có nhiều tuyển thủ QG đạt thành tích quốc tế. Cũng vì thế, khoảng cách với các đơn vị còn lại, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa, vùng cao kém phát triển, ngày càng rộng.

Hoàng Quỳnh -  Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.