Tuyển thủ Việt kiều ở SEA Games 30

03/12/2019 06:46 GMT+7

Ngày càng có nhiều tuyển thủ Việt kiều trở về cống hiến cho thể thao VN ở các giải quốc tế , và tại SEA Games 30 đang diễn ra ở Philippines cũng không ngoại lệ.

Vị thế mới của bóng rổ Việt Nam 

Việc đội bóng rổ nam 3x3 Việt Nam đoạt vé vào bán kết SEA Games với chiến thắng như chẻ tre ở vòng loại trước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia và chỉ chịu thua chủ nhà Philippines quá mạnh khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi trong nhiều kỳ SEA Games đã qua, bóng rổ Việt Nam chẳng hề có số má gì ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí chúng ta từng thua cả Campuchia lẫn Myanmar. Vậy liều thuốc nào đã làm thay đổi tầm vóc bóng rổ Việt Nam như SEA Games lần này?
Thắc mắc là động lực để chúng tôi bỏ cụm thi đấu chính nằm ở khu vực trung tâm với các kỳ vọng vàng ở cử tạ, thể dục dụng cụ, wushu... để đến địa điểm thi đấu môn bóng rổ 3x3 cách xa trung tâm Manila tầm 10 km. Đặc sản kẹt xe ở Manila khiến chúng tôi đến trễ tầm 30 phút so với trận đấu nhưng không sao, bóng rổ 3x3 thi đấu xuyên suốt cả ngày hôm qua để chọn ra nhà vô địch, tha hồ mà lân la “tìm hiểu sự việc”. Đập vào mắt trên sân là trận đấu giữa Việt Nam gặp Indonesia đang diễn ra đầy hấp dẫn với chiến thắng kịch tính cho Việt Nam, tiếc là ở bán kết các tuyển thủ Việt Nam do suy giảm thể lực đã để thua lại chính đối thủ này trong gang tấc. Chiến thắng trước Thái Lan ở trận tranh hạng ba diễn ra sau đó đã mang về cho bóng rổ Việt Nam tấm HCĐ. Đây là tấm huy chương đầu tiên của bóng rổ Việt Nam sau 6 kỳ góp mặt ở đấu trường SEA Games, khẳng định vị thế mới của bóng rổ Việt Nam trong khu vực.

Chàng trai tài hoa bập bẹ tiếng Việt

Bố mẹ Quý Kiệt từ Mỹ bay sang Manila ủng hộ anh

ảnh: Độc Lập

Chìa khóa mang về thành tích lịch sử của bóng rổ Việt Nam chính là các nhân tố Việt kiều. Không chỉ 1, 2 mà cả 4 cầu thủ của đội tuyển 3x3 bóng rổ Việt Nam đều là Việt kiều Mỹ nhập tịch Việt Nam, hoàn toàn đủ điều kiện tranh tài ở SEA Games. Tâm Đinh với tên đầy đủ tiếng Việt Đinh Thanh Tâm là cầu thủ đã có 4 năm thi đấu ở giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam, từng góp mặt ở SEA Games 2 năm về trước nên rất hiểu về các đối thủ. Chủ nhân của danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng là người đóng góp lớn vào tấm HCĐ SEA Games lần này cho biết mình chỉ có thể nói được “chút chút” tiếng Việt, nghe thì khá hơn một chút. “Điều quan trọng là chúng tôi mang trong mình dòng máu Việt, khát khao cống hiến cho bóng rổ Việt Nam ở tất cả các giải quốc tế”, Tâm Đinh thổ lộ.
Tâm Đinh có bố quê Phú Quốc (Kiên Giang), mẹ quê TP.HCM nhưng anh được sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Lúc nhỏ Tâm Đinh mê game, suốt ngày cắm đầu vào máy nên bố mẹ chủ động hướng con mình đến với bóng rổ. Sau những ngày đầu khó khăn, chàng trai cao 1,93 m này bắt đầu cảm nhận được thú vui mà quả bóng cam mang lại. Niềm đam mê này của Tâm Đinh còn truyền sang em trai Sang Đinh giúp hai anh em ngày càng chơi bóng cừ khôi. Sau thời gian thi đấu bán chuyên tại Mỹ, anh em nhà họ Đinh về Việt Nam thi đấu trong màu áo CLB Cantho Catfish cũng như tuyển quốc gia.
Tuyển thủ Việt kiều ở SEA Games 30

Daniel Nguyễn và bố

ảnh: Quỳnh Anh

Mê bóng rổ, gác ước mơ thành bác sĩ

Cũng ở tuyển quần vợt còn có tay vợt Việt kiều Savanna Lý Nguyễn hôm qua thi đấu ấn tượng giành vé vào bán kết đơn nữ, tràn trề cơ hội vào chơi chung kết. Lý Nguyễn thổ lộ hiện cô đang học tại Mỹ và thú vị là trợ lý HLV quần vợt của cô ở Mỹ lại chính là cựu tuyển thủ quần vợt Việt Nam Huỳnh Phương Đài Trang.
Ngồi trên khán đài sân Filoil Arena cổ vũ cho con trai Christopher William Dieker với tên Việt là Đặng Quý Kiệt thi đấu, chị Đặng Thị Thu Hương cùng chồng nhiều lần muốn “rớt tim ra ngoài” vì hồi hộp. “Bóng rổ hấp dẫn lắm, tôi cùng chồng mê bóng rổ, mê vận động nên từ khi Kiệt còn nhỏ xíu đã đưa đi chơi thể thao. Trước khi gắn bó với bóng rổ, Quý Kiệt từng chơi cả bóng đá, điền kinh. À, thành tích mà con tôi có được đầu tiên trong sự nghiệp là điền kinh nội dung chạy tốc độ chứ không phải bóng rổ. Tôi hướng con chơi thể thao còn quyết định chơi như thế nào, chơi môn gì là do con chọn”, chị Hương kể.

Quý Kiệt thi đấu năng nổ trong đội tuyển Việt Nam

Trinh Trinh

Thừa hưởng gien của bố, một kỹ sư điện người Mỹ, Quý Kiệt có chiều cao 2,03 m. Chơi bóng rổ nhưng anh cũng theo đuổi việc học văn hóa. Ước mơ lớn nhất của anh là trở thành bác sĩ nhưng vì quá bận rộn với bóng rổ nên chàng trai 25 tuổi này tạm gác giấc mơ này lại. “Tôi đã có bằng cử nhân hóa chất và hiện vừa học thạc sĩ qua mạng. Sau giờ tập luyện, thi đấu là lúc tôi sắp xếp lên mạng làm bài tập, trao đổi việc học. Tôi biết bóng rổ chỉ là đam mê và cũng có lúc phải dừng lại, nhưng việc học để có một công việc ổn định là điều phải làm”, Quý Kiệt thổ lộ.
Quý Kiệt may mắn khi cả bố lẫn mẹ ủng hộ anh chơi thể thao. Năm ngoái anh về Đà Nẵng đầu quân cho đội bóng quê hương của mẹ sau đó được gọi lên tuyển Việt Nam lần đầu tranh tài ở SEA Games. Nghe tin Quý Kiệt tranh tài ở Philippines, chị Hương cùng chồng xin nghỉ việc 10 ngày, bay thẳng từ Mỹ về Manila cổ vũ cho con cùng các đồng đội rồi cũng từ đây về Mỹ để kịp làm việc. Bố mẹ anh hy vọng thành công của bóng rổ Việt Nam với sự góp mặt của các tuyển thủ Việt kiều hiện nay sẽ là nguồn cảm hứng giúp phát triển phong trào bóng rổ tại Việt Nam.

Ấn tượng Daniel Nguyễn

Tuyển thủ Việt kiều ở SEA Games 30
“Cố lên Daniel, con làm được”, đó là lời động viên của ông Nguyễn Đắc Tiến, bố của Daniel theo chân con từ Mỹ về Philippines dự SEA Games lần này. Đây là chuyến đi khá gấp của bố con Daniel Nguyễn và cũng ngoài dự tính của đoàn thể thao Việt Nam. Trước SEA Games khai mạc đúng 1 tháng, Daniel Nguyễn mới nhập tịch thành công. Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cùng cán bộ đoàn thể thao Việt Nam phải cấp tốc làm thủ tục đăng ký mới kịp để tay vợt sinh ra, lớn lên ở Mỹ này kịp tham dự ngày hội thể thao của Đông Nam Á. Anh là VĐV cuối cùng của Việt Nam bổ sung ở SEA Games nhưng tràn trề cơ hội đoạt HCV đơn nam khi từng nằm trong tốp 200 ATP, có đẳng cấp nhỉnh hơn các đối thủ trong khu vực.

Savanna Lý Nguyễn đang nghe căn dặn từ trợ lý HLV Huỳnh Phương Đài Trang

Độc Lập

“Thời gian thi đấu SEA Games trùng dịp lễ Tạ ơn tại Mỹ nhưng bố vẫn cố gắng sắp xếp đi ủng hộ cho tôi cũng như luôn nhắn nhủ tôi phải cống hiến hết mình cho quê hương Việt Nam. Tôi rất phấn khích khi lần đầu khoác áo tuyển quần vợt Việt Nam. Khán giả tại Philippines cũng cuồng nhiệt, thật thích thú khi thi đấu trong bầu không khí như vậy”, Daniel Nguyễn nói. Chơi quần vợt đỉnh cao, từng tham dự Grand Slam Mỹ, Úc mở rộng nhưng cũng như nhiều VĐV Việt kiều Mỹ khác, anh cũng chọn song song việc vừa học văn hóa vừa chơi thể thao. Trong số các tuyển thủ Việt kiều dự SEA Gams 30 lần này, tay vợt Daniel Nguyễn là người được kỳ vọng lớn nhất cho tấm HCV lịch sử của quần vợt Việt Nam.
Ở tuyển quần vợt Việt Nam còn có tay vợt nữ Fodor Csilla có bố người Hungary, mẹ người Việt và cô đang đi học tại Mỹ. Thú vị là mẹ của Fodor Csilla từng là kiện tướng của thể dục dụng cụ Việt Nam nên ủng hộ “hai tay” cho con chơi quần vợt. Fodor Csilla năm nay 18 tuổi, cao 1,70 m, cô rất chăm chỉ tập luyện, thi đấu đầy nỗ lực nhưng cũng cần phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thiện. “Tôi cảm ơn khi được làm con mẹ tôi, một người Việt Nam. Chính nhờ thế tôi mới có cơ hội cống hiến cho quê mẹ. Tôi rất thích con người, khí hậu, đồ ăn của Việt Nam”, Fodor Csilla vui vẻ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.