Tối 11.12, Việt Nam sẽ gặp Malaysia tại sân khách trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018. Chưa đến giờ bóng lăn nhưng tin tức về trận đấu, vé vào sân… đã nóng ran từ những ngày qua, khi mà cổ động viên của cả hai nước đều say mê môn thể thao vua.
|
“Chẳng lẽ từ ngày mai, cứ Việt Nam thắng thì ai ai cũng mặc áo dài, xuống đường, cầm cờ đi bộ, thế mới là văn minh?”, nhiều người đã đặt câu hỏi như thế. Hiển nhiên, không có những mẫu số chung cho việc nên ăn mừng ra sao khi bạn yêu bóng đá, phát cuồng vì những cầu thủ đẹp trai tài năng và ăn mừng chiến thắng của đội tuyển thân yêu sau hơn 90 phút tranh giành trái bóng đầy gay cấn trên sân.
Việt Nam chiến thắng! Nếu ngoài kia người người nô nức tràn xuống đường với cờ hoa, kèn trống và tất cả những gì có thể phát ra âm thanh lớn thì ở một góc của Hà Nội là một phụ nữ lặng lẽ trong một tà áo dài xanh, đôi giày cao gót và một lá quốc kỳ kiêu hãnh trên vai.
Đó là nghệ sĩ Chiều Xuân. Bức ảnh tình cờ được chụp bởi nhiếp ảnh gia Khôi Minh ngay sau chiến thắng ngọt ngào của đội tuyển Việt Nam trước Campuchia hôm 24.11 tại AFF Cup 2018. Cùng với dư âm chiến thắng của đội nhà, tấm ảnh được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Thậm chí, sau trận bán kết lượt về của Việt Nam trước Philippines hôm 6.12 vừa qua, bức ảnh một lần nữa làm dậy sóng trên mạng xã hội với những bình luận như “Đi bão sang nhất Việt Nam”, “Tấm ảnh đi bão đẹp nhất từ trước đến nay”.
Bóng đá luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng chục triệu người dân Việt Nam, bóng đá kết nối tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị, tôn giáo…
Để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nước nhà, người dân có muôn vàn cách khác nhau: chạy đi bắt tay, ôm những người đang cổ vũ bóng đá cạnh mình, nhảy múa, nhậu và ca hát xuyên đêm… Và một cách thường thấy nhất sau gần như trận thắng nào của đội nhà: “đi bão” khắp các phố phường.
|
Thật buồn khi mà nhân danh tình yêu với bóng đá, người ta vi phạm luật an toàn giao thông, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sử dụng chất kích thích, lạm dụng rượu bia để rồi hành hung, đánh nhau… Những câu chuyện không hề hiếm, chỉ cần thao tác “google” trong giây lát là bạn đọc có thể truy cập ra ngút ngàn.
|
tin liên quan
'Đại gia' đeo 13 kg vàng cổ vũ tuyển Việt Nam: 'Cướp không thể giật được đâu!'Nhưng ngoài kia, chúng tôi vẫn thấy nhiều cổ động viên đáng yêu dành tình cảm cho những cầu thủ của ông Park Hang-seo bằng những cách đáng yêu, dễ thương như mấy cụ ông cụ bà mang cả mâm đồng, nồi niêu xoong chảo đứng bên vỉa hè gõ boong boong mừng cháu con chiến thắng. Có người cho chó cưng của mình lên xe cùng xuống đường, dán đề can và mặc áo đỏ, hòa cùng dòng người náo nhiệt đang gọi tên "Việt Nam! Việt Nam!" vang khắp phố phường.
Ca sĩ Cáp Anh Tài trước ngày đội nhà vào vòng trong đã sáng tác ca khúc mang tên "Cảm xúc AFF Cup 2018"; sinh viên nhiều trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM chung tay làm ra những video mặc áo cờ đỏ sao vàng, cùng nhảy flashmob, gửi những lời chúc yêu thương tới các tuyển thủ.
Yêu bóng đá không có nghĩa phải giấu bằng được quả pháo sáng vào sân vận động và chờ Việt Nam ghi bàn sẽ khiến nó “bùng cháy”. Yêu bóng đá cũng không có nghĩa là kẹp 3, kẹp 4 người trên một chiếc xe máy, nẹt pô, rú ga ầm ĩ giữa đại lộ để rồi xảy chân, tai nạn bất thường. Yêu bóng đá không có nghĩa là lột đồ, uốn éo trên phố, ăn chơi thác loạn thâu đêm…
Giữa pháo sáng, đua xe, lột đồ giữa phố nhân ngày Việt Nam chiến thắng và nhìn những tà áo dài thướt tha, lặng thầm tỏa duyên giữa phố đông, tôi và nhiều người sẽ chọn vế thứ 2. Tình yêu bóng đá không có lỗi. Đừng nhầm lẫn giữa yêu bóng đá và lợi dụng tình yêu đó để làm những gì phản cảm.
Bình luận (0)