Chiều 19.7, Trung tâm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VNDirect Research) công bố bản báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Trung tâm này đánh giá về thị trường ngoại hối, đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Tỷ giá dự báo sẽ tăng chậm lại vào cuối năm |
tn |
Cụ thể, ngày 12.7, chỉ số đô la (đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) đạt 108,5 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Đồng USD mạnh lên kéo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,4% kể từ đầu năm (tăng 0,4% so với đầu tháng).
Trong khi đó, tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quy định đối với USD/VND đứng ở mức 23.183 đồng, nhích 0,3% so với đầu tháng (tăng 0,2% so với đầu năm); còn tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng nhích 0,8% so với tháng trước (tăng 2,6% so với đầu năm).
Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022, hầu hết các đồng tiền trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (giảm 10,6%), Baht Thái (giảm 9,2%), Ringgit của Malaysia (giảm 5,1%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (giảm 5,9%) và Rupiah của Indonesia (giảm 5,1%).
“Chúng tôi nhận thấy có một số yếu tố hỗ trợ VND trong nửa cuối năm 2022, bao gồm: dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tyỉ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,5 - 4 tháng nhập khẩu). Do đó, chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng của USD/VND sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022”, VNDirect Research công bố.
Trung tâm này dự báo tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trong khoảng 22.900 - 23.300 đồng vào cuối năm 2022, tương ứng mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021.
Lãi suất huy động dự báo sẽ nóng lên |
tn |
Đối với thị trường lãi suất, VNDirect Research cho biết tính tới ngày 1.7, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản.
Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng lần lượt tăng 27 điểm cơ bản và 26 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.
Trung tâm này kỳ vọng đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3 do nhu cầu vốn thấp bời nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý 4 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại.
“Lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30 - 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0 - 6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm”, VNDirect Research kỳ vọng.
Về lãi suất cho vay, theo VNDirect Research, NHNN đang triển khai gói bù lãi suất với tổng quy mô 43.000 tỉ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3 - 4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Do đó, VNDirect Research kỳ vọng gói bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20 - 40 điểm cơ bản vào năm 2022.
Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Bình luận (0)