Cầu USD từ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhà đầu tư gián tiếp tăng mạnh trong khi nguồn cung lại khan hiếm khiến bên mua bên bán “giằng co”, đẩy tỷ giá USD/VND kịch trần trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá USD trên thị trường có lúc cận ngưỡng 23.000 đồng/USD.
Đồ họa: Du Sơn - nguồn: ACB
|
Sáng 25.8, ngay khi cuộc họp khẩn cấp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng (NH) thương mại về thị trường ngoại tệ thì giá USD đã tăng mức kịch trần 22.547 đồng/USD, giá mua USD quanh mức 22.500 - 22.540 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD đã tăng thêm 60 - 100 đồng/USD.
Một điểm kinh doanh ngoại tệ tại TP.HCM báo giá mua giá bán 22.800 - 22.900 đồng/USD. Nếu mua khối lượng lớn, giá “mềm” hơn, khoảng 22.820 - 22.860 đồng/USD. Với mức giá cao hơn giá USD trong NH từ 250 - 350 đồng, các giao dịch trên thị trường tự do đã hoạt động trở lại chứ không đóng cửa chờ nghe ngóng như trước đó mấy phiên.
Khối ngoại bán “cháy” tài khoản, chặn lỗ
Thực ra, thị trường ngoại hối đang bị “hun nóng” nhiều ngày nay khi cầu USD, trong đó có từ khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang tăng mạnh.
Trong vòng một tháng, kể từ ngày 27.7 đến ngày “đen tối” 24.8, VN-Index đã mất 108 điểm, rơi thẳng đứng từ mức 635,5 điểm xuống 526,9 điểm. Sự sụt giảm quá mạnh của thị trường chứng khoán khiến các NĐTNN liên tục bán ròng cổ phiếu. Chỉ trong 7 phiên bán ròng liên tiếp kể từ khi tiền đồng giảm giá, khối ngoại bán ròng hơn 800 tỉ đồng trên cả hai sàn. “Không chỉ vậy, trong vài tuần qua, NĐTNN còn bán “cháy” tài khoản trái phiếu”, phó giám đốc một công ty chứng khoán cho biết.
Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng thông tin, khối ngoại đã bán ròng trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp trong bốn tuần liên tiếp gần đây. Tuần qua, giá trị bán ròng lên đến 1.258 tỉ đồng, là mức bán ròng lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính trong một tháng qua, khối ngoại đã bán ròng 2.527 tỉ đồng trái phiếu.
Ngoài việc các nhà đầu tư bán ròng cổ phiếu chuyển sang mua USD, một lượng cầu USD lớn nữa, theo Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đến từ khu vực FDI mong muốn chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài do biến động tỷ giá hiện tại. Trong 7 ngày qua, một số doanh nghiệp FDI đã mua vào mạnh USD cả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do. Bên cạnh đó, một số NĐT rút vốn đầu tư gián tiếp, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với vốn FDI.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC, cho biết do biến động tỷ giá và lợi suất trái phiếu tăng, NĐTNN đã phải bán trái phiếu. Theo đó, lợi suất trái phiếu tuần qua tiếp tục đà tăng ở tất cả các kỳ hạn, với biên độ tăng từ 0,05% đến 0,13%, đẩy lãi suất tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. “Lãi suất tăng, giá trị trái phiếu giảm nên NĐTNN phải bán ra chặn lỗ”, ông nói.
Tăng do đầu cơ
Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH cổ phần cho biết, ngày hôm qua giao dịch ngoại tệ trên thị trường khá yên ắng, thanh khoản thấp, nguồn cung ngoại tệ khan hiếm nên đơn vị mua gặp nhiều khó khăn. Giám đốc phụ trách đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài cũng cho biết, những khoản mua USD thanh toán bây giờ phải xếp hàng chờ NH.
Chuyên gia Đinh Đức Quang nhận định, thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng phần nào lên thị trường ngoại hối. Việc các NĐTNN bán ròng, chuyển sang USD đã gây ảnh hưởng đến cầu ngoại tệ, dù rằng số lượng chưa nhiều nhưng tác động tâm lý không hề nhỏ. Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, thị trường ngoại tệ hiện nay đang chịu áp lực tâm lý đầu cơ rất lớn, tuy nhiên không nên quá lo lắng đến việc NĐTNN bán chứng khoán và mua USD. Đây chỉ là động thái mua bán thông thường trên thị trường nhằm cắt lỗ, chốt lời theo mục tiêu khi thị trường xuống không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới. Hơn nữa NĐTNN cũng là NĐT trên thị trường, họ vẫn có tâm lý đầu cơ khi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng nên mới mua vào.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng việc kỳ vọng giá USD còn tăng nữa là không có cơ sở. Lần điều chỉnh tăng tỷ giá thứ 2 của NHNN tương đối lớn để tồn tại trong một thời gian dài và điều này có nghĩa là nó càng kéo dài thì tâm lý giữ ngoại tệ hoặc dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ sẽ giảm đi. Chẳng ai muốn giữ đồng USD trong 7 - 8 tháng trời để được nửa điểm % cả, trong khi lãi suất tiền Việt hiện ở mức tốt.
Trong cuộc họp sáng ngày 25.8, NHNN đề nghị các NH bán ngoại tệ ra và khẳng định một lần nữa sẽ can thiệp thị trường. Sau cuộc họp, thị trường USD vào buổi chiều vẫn không khả quan hơn, khi các NH vẫn chủ yếu “nghe ngóng” các NH hàng đầu đã thực hiện bán ngoại tệ ra như thế nào. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, cho biết: “Tỷ giá vừa qua biến động chủ yếu do tâm lý và có thể do tin đồn để đầu cơ trục lợi. NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá và sẽ dùng các biện pháp ổn định thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016”.
Chứng khoán VN xanh trở lại
Thị trường chứng khoán VN hôm qua đã có sự phục hồi nhẹ trở lại sau ngày thứ hai “đen tối”, VN-Index tăng 3 điểm, lên 529,98 điểm với thanh khoản khá cao, đạt 2.796 tỉ đồng. Sự đảo chiều hôm nay khiến vốn hóa thị trường tăng lại gần 7.000 tỉ đồng, sau khi mất hơn 62.700 tỉ đồng trong “ngày thứ hai đen tối”. Nhưng trước khi có kết quả này, thị trường đã trải qua nhiều đợt giằng co dữ dội. Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, thị trường tiếp tục đà lao dốc khiến VN-Index giảm 15,8 điểm, còn 511,13 điểm, các nhà đầu tư tiếp tục xây xẩm, choáng váng. Nhưng ngay sau đó, nhiều người đã dần bình tĩnh trở lại và thực hiện bắt đáy, khiến nhóm các cổ phiếu lớn BID, VNM, CTG, HPG... hồi phục giúp thị trường lóe lên sắc xanh. Theo đó, HPG đã tăng trần 1.900 đồng lên 30.000 đồng/cp, BID tăng 600 đồng lên 20.400 đồng, VNM tăng 1.500 đồng lên 96.000 đồng/cp... Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng khoảng 55 tỉ đồng, sau khi đã mua ròng hơn 185 tỉ đồng vào ngày trước đó. Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng gồm HHS, DCM, HPG...
Chốt phiên, có 117 mã giảm giá ngang với số 118 mã tăng, 64 mã đứng giá. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng khá mạnh với 1,27 điểm, lên 74,02 điểm.
Hồng Sương
|
VN trở thành nơi trú ẩn an toàn
VN sắp sửa vượt qua được thời kỳ bất định bắt nguồn từ suy thoái kinh tế Trung Quốc và trở thành nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão khu vực, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia kinh tế ngày 25.8. Mặc dù tăng trưởng thương mại nhìn chung bị chậm lại vì nhu cầu yếu từ Trung Quốc, VN đã trở thành điểm sáng ở khu vực, với tăng trưởng xuất khẩu đạt 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào đợt phá giá vừa rồi và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài ấn tượng, theo chuyên gia Christian de Guzman của Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's.
“VN có vẻ phục hồi nhanh chóng trước áp lực trên khắp khu vực. Số liệu xuất khẩu ở nơi nào cũng trông rất khiêm tốn, nhưng xuất khẩu của VN tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Một lý do là họ đã tận dụng được sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực: các nhà máy từng đặt ở Trung Quốc hoặc Thái Lan hiện chuyển sang VN”, ông De Guzman nói với tờ The Wall Street Journal.
Công Chính
|
Giải tỏa nhu cầu ngoại tệ cuối năm
NHNN vừa đưa ra dự thảo không giới hạn thời hạn vay ngoại tệ của doanh nghiệp xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nguồn ngoại tệ trả nợ đến 31.12.2015 như quy định trước đây. Khi dự thảo trở thành hiện thực sẽ giải tỏa áp lực nhu cầu ngoại tệ lớn trả nợ vào thời điểm cuối năm.
|
Trung Quốc hạ lãi suất “cứu” chứng khoán
Chứng khoán Trung Quốc một lần nữa tụt dốc không phanh trong ngày 25.8, bất chấp sự thể hiện tích cực hơn của các thị trường khác. Chứng khoán tại Thượng Hải bị thổi bay 7,63% giá trị vào lúc đóng cửa ngày 25.8, tiếp tục đà lao dốc trầm trọng nhất trong vòng 4 ngày kể từ năm 1996. Theo AFP, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 244,94 điểm xuống còn 2.964,97 trên doanh số giao dịch là 358,7 tỉ CNY (tức 56,1 tỉ USD), vượt qua cột mốc 3.000 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 15.12.2014. Chỉ số Thâm Quyến cũng mất 7,09%, tương đương 133,39 điểm, xuống còn 1.749,07.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm 150 tỉ CNY vào thị trường tiền tệ để giảm gánh nặng lưu thông. Theo giới truyền thông nước này, đây là đợt bơm tiền lớn nhất trong ngày kể từ tháng 1.2014. Vào cuối ngày, PBoC thông báo giảm lãi suất tham chiếu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong biện pháp kích thích mới nhất nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, lãi suất cho vay giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 4,6%, lãi suất tiền gửi giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 1,75% trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 18% đối với các ngân hàng lớn. Đài Loan cùng ngày cũng bật đèn xanh đổ tổng cộng 15,3 tỉ USD vào thị trường trong nỗ lực ổn định tình hình.
Trong khi đó, thị trường Tokyo (Nhật) vào lúc đóng cửa cũng mất gần 4%, đánh dấu phiên sụt giảm thứ 6 liên tiếp. Thị trường Hồng Kông giảm 0,7%, trong khi các thị trường khác trong khu vực đã xoay xở để ngoi lên được ranh giới tích cực hơn. Cụ thể, vào cuối ngày hôm qua, chứng khoán tại thị trường Sydney (Úc) tăng 2,72%, tương đương với 136,02 điểm lên mức 5.137,3, còn Seoul (Hàn Quốc) cũng tăng nhẹ 0,92%, hoặc 16,82 điểm, lên mức 1.846,63 điểm. Ở châu Âu, chỉ số liên lục địa FTSEurofirst 300 leo lên được 1,7% sau khi mất hơn 5% giá trị trong ngày 24.8, còn các thị trường London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) cũng lần lượt quay đầu, tăng từ 1,5 - 1,7%.
Thụy Miên
|
Bình luận (0)