Khủng hoảng về bất động sản và thị trường chứng khoán
Sáng 2.6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho tháng 6.2022.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục thống kê TP.HCM cho biết, ngày 30.5, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký số liệu dự ước về GDP (tổng sản phẩm nội địa) 6 tháng đầu năm của TP.HCM tăng 3,85%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 1,78%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23%; khu vực dịch vụ tăng 4,83%.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục thống kê TP.HCM, phát biểu tại phiên họp kinh tế - xã hội TP.HCM 5 tháng đầu năm |
TTBC tp.hcm cung cấp |
Ở khu vực dịch vụ, 9 ngành dịch vụ chủ yếu đều tăng trưởng dương, nhưng riêng các hoạt động bất động sản giảm ở mức 5,82%, do đầu tư của các doanh nghiệp giảm và các công trình, dự án chậm triển khai, giá vật liệu xây dựng tăng.
“Bất động sản là một trong những ngành có hệ số lan tỏa rất lớn với các lĩnh vực khác như xây dựng, vật tư sản xuất, máy móc thiết bị... Thực tế tình hình kinh tế của chúng ta đang khủng hoảng về bất động sản và thị trường chứng khoán”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nói.
Tháo điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Khắc Hoàng đề nghị cần thực hiện hiệu quả tài sản, trên cơ sở tăng cường giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Hoàng, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP.HCM được thông qua với tổng số vốn gần 45.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cung cấp, thì đến ngày 25.5, TP.HCM mới chỉ giải ngân hơn 4.300 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 13,5%, thấp so với cùng kỳ. Trong khi dư địa để cho kinh tế TP.HCM tăng trưởng thì vốn đầu tư thông thường khoảng 38% trong GDP.
"Trong những năm gần đây, việc đóng góp của GDP ở vốn đầu tư đang giảm dần. Trong khi đó, vốn đầu tư nhà nước là một trong nguồn dẫn dắt để phát triển thành phố. Vấn đề đặt ra chính là xác định giải ngân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế TP.HCM. Tôi đề nghị phải chỉ đạo rà soát công việc, tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân, điều tiết ngân sách để tạo nguồn lực của TP.HCM”, ông Hoàng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho biết, qua theo dõi toàn TP.HCM, khối lượng nghiệm thu thực tế trên các công trường còn chậm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của việc giao tranh ở Ukraine, giá xăng dầu tăng (cụ thể, giá xăng trong nước tăng 11 lần, tăng hơn 30%); từ đó ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho hay các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng quan ngại nếu tiếp tục “càng làm thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng |
TTBC tp.hcm cung cấp |
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm, các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng quan ngại nếu tiếp tục “càng làm thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách giá điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng.
Ngoài ra, đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn. Do đó đến nay, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu các giải pháp đẩy nhanh công tác giải ngân thời gian tới.
Theo báo cáo, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 209.824 tỉ đồng, đạt hơn 54% dự toán năm và tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Bình luận (0)