Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tại các trường ĐH ra sao?

22/11/2024 07:15 GMT+7

Hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có thêm hơn 600 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư. Vậy tỷ lệ này tại các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay ra sao?

Có thể tìm thấy tỷ lệ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) của mỗi trường tại số liệu 3 công khai của các trường ĐH về đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Theo quy định, để mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, phải có ít nhất một GS hoặc 2 PGS. Các trường càng có nhiều ngành đào tạo tiến sĩ thì tỷ lệ này càng cao. Tuy nhiên, có những trường chỉ có một, 2 ngành tiến sĩ nhưng vẫn có nhiều GS và PGS.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), số lượng GS năm học 2023-2024 là 4, trong đó ngành lịch sử chiếm 2, còn lại là quốc tế học 1 và xã hội học 1. Giảng viên có học hàm PGS là 58. Tỷ lệ GS, PGS trên tổng số 324 giảng viên cơ hữu là 19%.

Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tại các trường ĐH ra sao?- Ảnh 1.

Hội đồng GS Nhà nước họp nhằm thảo luận và tiến hành bỏ phiếu danh sách ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024

ẢNH: MOET

Trong khi đó, theo số liệu công khai năm học 2022-2023 (chưa có số liệu năm 2023-2024), Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tổng cộng 347 giảng viên thì có 13 GS, 70 PGS, chiếm 24%. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm học 2022-2023 có 8 GS, 61 PGS trên tổng số 584 giảng viên, chiếm 11,8%.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm học 2023-2024 có tổng số 1.149 giảng viên cơ hữu thì 21 là GS, 268 PGS, chiếm 25%. Có thể nói đây là một trong những cơ sở giáo dục ĐH có tỷ lệ GS, PGS cao nhất cả nước. Đặc biệt, do đặc thù thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, cả 21 GS tập trung toàn bộ ở khối ngành V gồm các ngành như vật lý kỹ thuật, cơ khí, điện - điện tử, vật liệu, hóa học... và khối ngành này cũng có tới 255 PGS.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có 4 GS (kỹ thuật cơ khí: 2, kỹ thuật điện: 1, kỹ thuật công trình xây dựng: 1) và 58 PGS trên tổng số 416 giảng viên, tỷ lệ là 15%.

Năm học 2023-2024, ĐH Kinh tế TP.HCM có 633 giảng viên, trong đó 10 GS tập trung chủ yếu ở ngành tài chính ngân hàng (4), 67 PGS cũng chủ yếu ở ngành tài chính ngân hàng (15), kế toán (8), quản trị kinh doanh (8), marketing (6), kinh doanh quốc tế (6). Tỷ lệ GS, PGS trên giảng viên cơ hữu là 12%.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2024 có 193 giảng viên cơ hữu nhưng lại không có GS mà có 21 PGS, tỷ lệ 10,8%. Trong đó, ngành kinh tế nhiều nhất (6) sau đó đến quản trị kinh doanh (5), kinh tế phát triển (4)...

Trường ĐH Ngoại thương năm học 2023-2024 cũng không có GS nào trong số 597 giảng viên cơ hữu. Số lượng PGS là 45, chiếm tỷ lệ 7,5%. Trong đó ngành kinh tế nhiều nhất (12), kế đến là ngành kinh doanh quốc tế (7), tài chính ngân hàng (6)...

Tại Trường ĐH Cần Thơ, tính đến 31.12.2023 có 1.108 giảng viên cơ hữu thì có 20 GS, 175 PGS, chiếm tỷ lệ 17,6%. Trong đó, khối ngành V tập trung nhiều GS nhất (17) ở các ngành như chăn nuôi, chế biến thủy sản, công nghệ thực phẩm.... Đây cũng là khối ngành tập trung nhiều PGS nhất (102) ở các ngành nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, kỹ thuật hóa học, kinh tế nông nghiệp...

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm học 2023-2024 có 1.087 giảng viên cơ hữu thì có 11 GS và 37 PGS. Trường ĐH Công thương TP.HCM có 1 GS, 23 PGS trên tổng số 590 giảng viên. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 6 GS, 12 PGS trên tổng số 997 giảng viên. Trường ĐH Văn Lang có 2.077 giảng viên thì có 8 GS, 93 PGS.

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn tất Thành có 1.325, trong đó 13 GS, 60 PGS. Số GS của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn là 13, PGS là 23 trên tổng số 250 giảng viên. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 4 GS, 28 PGS trên tổng số 533 giảng viên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.