Tỷ lệ lây nhiễm HIV gia tăng trong nhóm đồng giới nam, chuyển giới

15/01/2021 09:20 GMT+7

Ngày 14.1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Tại hội nghị, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ tháng 12.1990, ca nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam đã được phát hiện tại TP.HCM, khởi đầu cho “cuộc chiến” không ngừng nghỉ suốt 30 năm qua nhằm khống chế, đẩy lùi và kiểm soát đại dịch HIV/AIDS, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM.
Trong đó, giai đoạn 1990 - 2000 là giai đoạn TP.HCM kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch HIV/AIDS; giai đoạn 2000 - 2010 TP.HCM đẩy lùi đại dịch; giai đoạn 2010 - 2020 TP.HCM đã kiểm soát được dịch, thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).
Để đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025 và mục tiêu 99 - 99 - 99 vào năm 2030 để kết thúc đại dịch HIV/AIDS.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến tháng 5.2020 TP.HCM đã điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho 39.892 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó 25% bệnh nhân là ở các tỉnh. Khó khăn hiện nay là tỷ lệ lây nhiễm HIV gia tăng trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), nhóm chuyển giới. Mặt khác, những người có nguy cơ lây nhiễm HIV khó tiếp cận, phần lớn là những người có vị trí xã hội, yêu cầu bảo mật cao.
Về giải pháp, thời gian tới TP.HCM tiếp tục điều trị dự phòng và điều trị ARV, tăng cường phát hiện ca mới bằng xét nghiệm, kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV cấp; liên kết với các tỉnh thành khác để cùng kết thúc đại dịch HIV/AIDS”, BS Dũng nói.
Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, từ năm 1990 đến nay, cả nước có 230.000 người nhiễm HIV, bao gồm 107.000 người đã tử vong.
Trong đó, TP.HCM chiếm tới 1/4 số ca và là địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Để hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, ông Mạnh đề nghị TP.HCM đẩy mạnh hoạt động can thiệp trong nhóm MSM; đa dạng hóa mô hình xét nghiệm; đẩy mạnh hoạt động tìm ca nhiễm mới; mở rộng điều trị thuốc ARV; đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch tễ HIV, khống chế được nguồn lây…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.