Tỷ lệ mắc ung thư mới và tử vong do ung thư tiếp tục tăng

01/12/2022 12:23 GMT+7

Thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, hàng triệu người mắc ung thư trên thế giới bị ảnh hưởng trong chẩn đoán, điều trị và chuyên gia cảnh cáo nguy cơ xảy ra đại dịch ung thư nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Trong 3 ngày 30.11, 1 và 2.12 đã diễn ra Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 25.

Tại hội thảo, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Chủ tịch Hội ung thư TP, kiêm Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, cho biết bệnh lý ung thư đến nay đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội và nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 25

DUY TÍNH

Tỷ lệ ung thư mới và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng. Số liệu được Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) công bố năm 2020, trên thế giới ước tính có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu ca tử vong, cao hơn nhiều so với khoảng 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong vào năm 2012.

Cũng theo Globocan, năm 2020 Việt Nam có khoảng 182.563 ca ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Đáng lưu ý, năm 2020, Việt Nam xếp hạng 91/185 nước có số mắc mới ung thư và số tử vong xếp hạng 50/185 nước (so với 99/185 và 56/185 năm 2018). Điều này chứng tỏ sự tăng nhanh số ca mắc mới và tử vong do ung thư.

Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM số lượng bệnh nhân ung thư gửi đến điều trị hằng năm khoảng 23.000 ca mới (2019).

Cũng theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực, bệnh nhân ung thư cũng ảnh hưởng rất nặng nề. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công tác quản lý, phục vụ liên quan đến nghi ngờ điều trị bệnh nhân ung thư đã giảm 50% ở tất cả các quốc gia. Tại châu Âu trong 2 năm đại dịch thì việc tầm soát, chẩn đoán đoán và điều trị ung thư đều chậm, ước tính cả triệu ca bị ảnh hưởng. Tại Mỹ cũng ghi nhận giảm hàng triệu test tầm soát và chẩn đoán ung thư vú. Các chuyên gia tại châu Âu cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với đại dịch ung thư trừ phi có những hành động khẩn cấp để thúc đẩy việc chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu ung thư.

Hiện nay, với sự đầu tư xây mới cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị hiện đại ở các trung tâm ung bướu lớn trên cả nước, cùng với đội ngũ y bác sĩ có tay nghề đã phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư nâng cao.

Phẫu thuật ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

BS NGUYỄN VĂN TIẾN

“Các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không chỉ ảnh hưởng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh. Bệnh nhân đã có thể tiếp tục các loại thuốc hóa trị và thuốc nhắm cận đích mới và gần đây là thuốc miễn dịch, điều trị gien ngay tại Việt Nam”, TS-BS Phạm Xuân Dũng thông thông tin.

Bên cạnh sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành ung thư cả nước, Hội thảo còn thì còn có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống ung thư ở Đài Loan, Nhật Bản, Nga, Đức... Hội thảo lần này đã thu hút sự quan tâm đăng ký tham dự của 1.600 đại biểu, 125 đề tài được chọn báo cáo qua 20 phiên hội thảo chuyên đề.

“Điều này cho thấy mối quan tâm thực tế của ngành y tế trong và ngoài nước về bệnh ung thư và là cơ sở thuận lợi để thực hiện chương trình phòng chống ung thư trên phạm vi cả nước”, TS-BS Phạm Xuân Dũng nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.