Nhiều người trẻ hiện phải đi bệnh viện khám và phục hồi chức năng vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp… Lối sống thay đổi, áp lực công việc ngày càng cao, sử dụng máy tính, điện thoại ngày càng nhiều có thể dẫn đến tình trạng này. Với người làm công việc văn phòng, tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã lên đến hơn 65%. Tỷ lệ này gia tăng do công việc của con người ngày càng liên quan nhiều tới máy vi tính và sử dụng điện thoại. Nhiều người ngồi 3 - 4 tiếng liên tục trong một tư thế, dẫn đến tăng tình trạng đau vai gáy, đau cổ, đau khớp...
Triệu chứng của bệnh cơ xương khớp ở nhóm tuổi này lại thường diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau mỏi ngắn nên nhiều người ít chú ý hoặc có tâm lý bỏ qua, do đó khiến tình trạng nặng hơn và điều trị khó khăn.
PGS-TS Lê Mạnh Cường cho biết bệnh viện đang từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và robot trong điều trị phục hồi chức năng các bệnh lý về cơ xương khớp. AI kết hợp robot sẽ được ứng dụng để phục hồi chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi…
Ứng dụng AI và robot trong điều trị giúp thầy thuốc can thiệp chính xác hơn để phục hồi chức năng cho người bệnh sau những phẫu thuật về chấn thương, chỉnh hình, hoặc sau tai biến, đột quỵ... Các kết quả nghiên cứu của thế giới cho thấy ứng dụng này đem lại hiệu quả cao, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể.
Theo PGS-TS Lê Mạnh Cường, robot có khả năng thu thập các tín hiệu điện cơ tự nhiên từ cơ bắp của bệnh nhân và phân tích chúng, xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi. Robot cũng tạo ra tín hiệu phản hồi âm thanh, hình ảnh và rung cơ bắp để hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân trong quá trình tập luyện. Ngoài các động tác vật lý trị liệu, các trò chơi điện tử cũng được cài đặt vào hệ thống nhằm kích thích và khôi phục vận động, trí nhớ cho người bệnh, tăng sự khéo léo của đôi tay.
Bình luận (0)