Dưới thời HLV Troussier, Phan Tuấn Tài bị bố trí chơi trái sở trường, khi phải đá trung vệ lệch trái. Do đó, cầu thủ của Thể Công Viettel không thể phát huy tối đa điểm mạnh của mình. Sau sự ra đi của vị HLV người Pháp, khả năng Tuấn Tài được trả lại với vị trí hậu vệ biên trái là rất lớn. Trước mắt là tại VCK U.23 châu Á 2024, dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, nhiều người đang trông chờ vào màn trình diễn của hậu vệ quê Đắk Lắk. Như một chiếc lò xo bị kìm nén lâu ngày, Tuấn Tài được kỳ vọng sẽ bật lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm tựa của U.23 Việt Nam. Người hâm mộ muốn Tuấn tái hiện lại những cú tạt dẻo vào chính xác giúp đồng đội ghi bàn. Tuy nhiên, nguyện vọng này của khán giả đã không được đền đáp.
Ngay sát ngày U.23 Việt Nam di chuyển sang Qatar, HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhận tin không vui về lực lượng khi Phan Tuấn Tài dính chấn thương đầu gối. Đây chắc chắn là sự tổn thất không nhỏ đối với sức mạnh của U.23 Việt Nam, khi bước vào tranh tài ở sân chơi U.23 châu Á 2024.
Trước đó, hậu vệ Võ Minh Trọng vì dính chấn thương vai chưa bình phục nên cũng không được HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập. Như vậy, U.23 Việt Nam vắng cả 2 cầu thủ chạy biên trái hay nhất trong lứa tuổi.
Rất may, HLV Hoàng Anh Tuấn sở hữu nhiều cầu thủ đa năng. Vào lúc này, vị HLV người Khánh Hòa chắc chắn đã có những tính toán của riêng mình, để có thể trám vào chỗ trống rất lớn mà Phan Tuấn Tài để lại.
Khuất Văn Khang là một cái tên từng được sử dụng ở vị trí hậu vệ trái. Tuy nhiên, Văn Khang là cầu thủ thiên về tấn công, có lẽ chỉ phù hợp trong những thế trận mà U.23 Việt Nam trên cơ. Xét cả về thể hình lẫn lối đá, cầu thủ sinh năm 2003 đều không thể chiếm lợi thế trước đối thủ trong những tình huống phòng ngự.
Hà Văn Phương hay Hoàng Văn Toản cũng là những cái tên chơi bám biên. Đây có thể là những "cánh chim lạ" mà HLV Hoàng Anh Tuấn có thể đặt niềm tin. Ưu điểm của 2 cầu thủ đang khoác áo CLB Công an Hà Nội này (so với Văn Khang) là có thể hình "dày cơm" hơn và quan trọng là đã quen chân với cách thức phòng ngự.
Ở môi trường giàu tính cạnh tranh như Công an Hà Nội, hai cầu thủ này cũng có thời gian ra sân kha khá tại sân chơi V-League. Hà Văn Phương được chơi 11 trận, trong khi con số này của Hoàng Văn Toản là 14. Kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu của họ ở mức tương đối.
Trong đó, Hà Văn Phương có lẽ là cầu thủ không quá xa lạ với những người thường xuyên theo dõi bóng đá trẻ. Ở sân chơi U.19 quốc gia trước đây, cầu thủ sinh năm 2001 từng gây nhiều ấn tượng bằng lối chơi nhiệt huyết, xông xáo và giàu tốc độ ở hành lang cánh. Thi đấu cho đội U.19 Công an nhân dân không quá mạnh, nhưng hậu vệ 23 tuổi này vẫn biết cách tạo ra sự khác biệt và từ đó lọt vào mắt xanh của HLV Troussier (khi còn làm HLV trưởng U.19 Việt Nam).
Khi U.23 Việt Nam không có những chân leo biên hay nhất, đây sẽ là cơ hội quý giá đối với những cầu thủ ít tên tuổi hơn. Hà Văn Phương, Hoàng Văn Toản hoặc bất cứ cầu thủ nào được HLV Hoàng Anh Tuấn lựa chọn sẽ có dịp được thể hiện mình và bước ra ánh sáng.
Đội hình tối ưu của U.23 Việt Nam dự vòng chung kết U.23 châu Á 2024
Những nhận định chỉ là trên lý thuyết. Thực tế vẫn phải dựa trên màn trình diễn của cầu thủ khi ra sân và sự phù hợp của cầu thủ đó đối với cách vận hành chiến thuật của HLV trưởng. Thông qua trận đấu giao hữu cọ xát với U.23 Jordan vào ngày 10.4, HLV Hoàng Anh Tuấn có thể sẽ tìm ra được cái tên mà ông cho là tốt nhất để tranh tài ở VCK U.23 châu Á 2024.
Bình luận (0)