Ở lượt trận cuối bảng D, điều kiện cần để U.23 Việt Nam vào tứ kết là phải thắng U.23 CHDCND Triều Tiên tối thiểu 2 bàn. Điều kiện đủ là 2 đối thủ Tây Á - U.23 UAE và U.23 Jordan phải phân định thắng thua hoặc hòa không bàn thắng. Nếu mọi thứ không theo kịch bản trên thì thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ sớm “về quê ăn tết”. Lúc này, U.23 Việt Nam rất bất lợi nhưng cũng không hẳn mọi thứ đã đóng sập hoàn toàn trước mắt chúng ta.
Trong số các khả năng có thể xảy ra, chúng ta hãy cứ lạc quan vào “cửa sáng” cho thầy trò ông Park. Bởi trước khi có kết quả cuối cùng thì mọi lý thuyết... đều đúng.
Đội U.23 Việt Nam kỳ này hẳn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Hàng phòng ngự thì “xộc xệch” nếu Đình Trọng không có mặt trên sân. Nhân sự hai cánh với Tấn Tài, Thanh Thịnh chưa thể lên công về thủ ở cường độ cao. Riêng các tiền vệ thi đấu vẫn chưa đạt yêu cầu bởi chất lượng đường chuyền thấp nên không tạo ra cơ hội rõ rệt cho tiền đạo ghi bàn. Kể cả ngôi sao Quang Hải cũng chưa đạt trạng thái tốt nhất. Tiền đạo Tiến Linh và Đức Chinh có đủ xông xáo nhưng vẫn chưa “thông nòng”.
|
Xem U.23 Việt Nam từ đầu giải đến giờ, mọi người thấy chỉ có 2 “ngôi sao sáng”. Một là Bùi Tiến Dũng trong khung thành với phản xạ nhanh, là chốt chặn đáng tin cậy. “Ngôi sao” khác lớn hơn, đó là “ngài” Park. Chính HLV người Hàn Quốc bằng cách vận hành sơ đồ chiến thuật hợp lý đã tạo ra một tập thể U.23 Việt Nam khá an toàn dù chơi chưa thật hay. Nghĩa là, tài năng của thầy Park đã khỏa lấp cho cái thiếu, cái yếu do các học trò để lại.
Câu hỏi đặt ra là: U.23 Việt Nam có thắng nổi U.23 CHDCND Triều Tiên trong trận đấu cuối vòng bảng hay không? Ở đây, cái mà học trò ông Park có thể làm thì nhất định họ phải nỗ lực làm được bằng mọi giá trước khi nghĩ đến “món quà” từ trận đấu giữa UAE và Jordan.
U.23 CHDCND Triều Tiên sau 2 trận thua trước các đối thủ Tây Á (thua 1-2 trước Jordan và 0-2 trước UAE) cho thấy họ là đội yếu nhất bảng. Nhưng khi gặp U.23 Việt Nam, đó là cuộc chiến danh dự, vì vậy họ sẽ chơi hết khả năng của mình. Điểm yếu của U.23 CHDCND Triều Tiên là trận nào họ cũng chơi theo kiểu “ông lớn” nên rất dễ bị hở sườn. Đó là cơ hội để những đội bóng có thiên hướng chơi chặt chẽ, phản công nhanh ghi bàn như cách mà U.23 Jordan đã từng làm. Gần đây ở nhiều cấp độ, bóng đá Triều Tiên rất dễ đánh mất tinh thần. Nhưng điểm mạnh của họ là nền tảng thể lực và khả năng phân phối sức hợp lý. Vì vậy suốt 90 phút, các cầu thủ Triều Tiên vẫn chạy tốt, nhất là những tình huống đua tốc độ.
|
Trong khi đó, U.23 Việt Nam đã trải qua cuộc đấu với 2 “lực sĩ Tây Á” nên chúng ta phần nào bị bào mòn sức lực. Đó cũng là điều đáng ngại cho thầy trò ông Park ở “trận chiến cuối” vòng bảng. Dù vậy, chúng ta có thể đặt niềm tin vào tinh thần, sự quyết tâm, khả năng gắn kết đồng đội của tập thể U.23 Việt Nam. Việc bị “tịt ngòi” trong 2 trận vừa qua sẽ buộc tiền đạo Tiến Linh - Đức Chinh phải nỗ lực khẳng định mình. Lúc đó cặp đôi này sẽ tự giải tỏa ức chế và hy vọng họ sẽ “khai hỏa” .
Rõ ràng, thắng U.23 Triều Tiên lúc này như là “mệnh lệnh” đối với các học trò ông Park. Làm được điều này thì những khả năng khác cứ để “trời xanh lo liệu”.
Nên nhớ trận đấu giữa U.23 UAE và U.23 Jordan cũng rất dễ xảy ra tỷ số hòa 0-0. Bởi không ai lại mở khung thành cho đối phương ghi bàn rồi trông chờ phía bên kia “đáp lễ”. Đó là chưa kể cả hai vẫn còn mục tiêu đứng nhất bảng hòng tạo lợi thế cho mình tại tứ kết.
Bây giờ nếu nói U.23 Việt Nam bị loại thì rất dễ! Nhưng phân tích để tìm ra cơ hội cho chúng ta thật sự là câu chuyện thú vị. Tất nhiên lý thuyết từ bàn phím cũng chẳng thể tác động gì đến cục diện bảng D. Nhưng khi bản chất bóng đá luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ thì chúng ta cũng đừng bỏ qua cơ hội cuối cùng này của U.23 Việt Nam.
Hãy tin rằng, hành trình chinh phục chiếc vé dự Olympic Tokyo năm 2020 của thầy trò ông Park lần này vẫn sẽ tiếp diễn.
Bình luận (0)