10 giờ sáng nay 7.3, theo giờ Úc, Thủ tướng Anthony Albanese và hôn thê đã đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ, mở đầu chuyến thăm chính thức của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến Úc từ ngày 7 - 9.3.
Công tác chuẩn bị cho lễ đón tại Nhà Quốc hội Úc được chuẩn bị vô cùng chu đáo, thời tiết thủ đô Canberra rất đẹp, nhiệt độ 15 độ C, nắng chan hòa. Khi xe chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đến Nhà Quốc hội, Thủ tướng Anthony Albanese và hôn thê đã chờ sẵn. Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cùng lúc với 19 phát đại bác được bắn chào mừng Thủ tướng; sau đó là quốc thiều 2 nước được cử.
Ngay sau lễ đón, hai Thủ tướng có hội đàm chính thức; dự kiến chuyến thăm chính thức này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Úc lên Đối tác chiến lược toàn diện, với rất nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết.
Úc bắn đại bác đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến hành lập Đại sứ quán tại mỗi nước ngày 26.2.1973. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009, Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Úc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3.2018).
Hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Anthony Albanese đã đến Việt Nam, trong một chuyến thăm nồng ấm và nhiều chính sách kinh tế, thương mại, giáo dục đạt được thỏa thuận.
Úc nằm trong nhóm nước đầu tiên được sinh viên Việt Nam lựa chọn và trong nhóm 15 thị trường gửi khách du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Úc cũng là một trong những đối tác viện trợ ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013 - 2019 và 78,9 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2020 - 2022).
Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Úc đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỉ AUD.
Việt Nam và Úc hiện là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Úc luôn ở mức cao.
Năm 2022, thương mại song phương hai nước đạt 15,7 tỉ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều đạt gần 14 tỉ USD, giảm 12% so với năm 2022.
Việt Nam đã cấp gần 78.000 bộ Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ, tăng 13,52% so với năm 2021, trị giá hơn 2,5 tỉ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ USD, với tỷ lệ tận dụng C/O là 39,28%.
Các mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80%, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (96,9%), giày dép (gần 100%), cao su và các sản phẩm từ cao su (83,26%), sản phẩm dệt may (85,36%).
Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Úc, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Úc năm 2022.
Hạt điều Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho Úc đối với hạt điều (99%) và hạt tiêu (gần 30%).
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Úc tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, về giày dép, xuất khẩu sang Úc đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% (2022) hay dệt may cũng đạt 449,7 triệu USD; tăng 27,4% (2022).
Năm 2023, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Úc và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Úc).
Tính đến hết tháng 12.2023, Úc có 621 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản.
Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Úc với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo (riêng năm 2020, ta đầu tư sang Úc 101,8 triệu USD, chiếm 17,2% FDI của Việt Nam).
Cộng đồng người Việt tại Úc có khoảng 350.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Úc.
Bình luận (0)