Úc, Hà Lan bắt tay kiện Nga về vụ bắn rơi máy bay MH17

14/03/2022 16:06 GMT+7

Úc và Hà Lan cùng phối hợp kiện Nga liên quan vụ bắn rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine vào năm 2014.

Xác chiếc MH17 bị bắn rơi vào ngày 17.7.2014

reuters

Theo Reuters, Úc bắt đầu phối hợp với Hà Lan kiện Nga lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines cách đây 8 năm.

Trong thông cáo đưa ra ngày 14.3, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho rằng Nga chịu trách nhiệm theo luật quốc tế đối với vụ việc, và hành động tại ICAO là động thái nhằm đấu tranh vì công lý cho 298 nạn nhân, trong đó có 38 người Úc.

Đơn kiện theo Điều 84 của Hiệp ước Hàng không dân dụng quốc tế là một vụ riêng biệt, bên cạnh phiên tòa tại Hà Lan xét xử 4 nghi phạm về trách nhiệm hình sự cá nhân.

Chuyến bay MH17 từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) vào ngày 17.7.2014 bị bắn trên không phận phía đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát. Các nhà điều tra và công tố viên quốc tế cho rằng chiếc Boeing 777 đã trúng một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và hệ thống tên lửa này không lâu sau đó đã được đưa về Nga.

Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan và đã đưa ra nhiều giả thuyết khác, dù bị các nhà điều tra quốc tế bác bỏ vì cho rằng thiếu chứng cứ.

Dự kiến Hà Lan sẽ xét xử 3 công dân Nga và 1 công dân Ukraine trong năm nay. Các bị cáo này vẫn chưa bị bắt và chưa từng ra tòa.

Theo thông cáo trên, Úc và Hà Lan sẽ dựa trên bằng chứng rằng chuyến bay MH17 bị bắn bằng hệ thống tên lửa đất đối không của Nga, được di chuyển từ Nga đến khu vực phía đông Ukraine được kiểm soát bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, và được quân đội Nga tháp tùng.

4 người bị cáo buộc bắn hạ máy bay MH17 là ai?

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Úc ngày 14.3 công bố các lệnh cấm vận nhằm vào các oligarch (nhóm thiểu số thao túng) Nga và các thành viên trong gia đình họ.

Bộ Ngoại giao Úc cho hay có 33 cá nhân bị cấm vận, trong đó có ông chủ CLB bóng đá Chelsea Roman Abramovich, CEO Gazprom Alexey Miller và Chủ tịch Hãng hàng không Rossiya Dmitri Lebedev.

“Các lệnh cấm vận công bố hôm nay củng cố cam kết của Úc nhằm cấm vận những người đã tích lũy của cải cá nhân to lớn và có tầm quan trọng kinh tế và chiến lược đối với Nga, bao gồm kết quả từ mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, theo thông cáo không kèm các biện pháp cấm vận cụ thể.

Phía Nga chưa đưa ra phản ứng liên quan các động thái trên của Úc. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đã công bố cấm vận các cá nhân Nga, sau khi Nga đưa quân đến Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.