Cuộc trưng cầu dân ý tại Úc được tiến hành nhằm sửa đổi bản hiến pháp năm 1901 lần đầu tiên nhằm công nhận đóng góp của thổ dân và dân đảo eo biển Torres. Những cải cách còn giúp tạo ra một cơ quan tham vấn gọi là Voice to Parliament (Tiếng nói đến nghị viện) để xem xét các luật ảnh hưởng cộng đồng người bản xứ, giúp giải quyết sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội sâu sắc.
Tuy nhiên, với 88% điểm bỏ phiếu công bố kết quả, có khoảng 59% cử tri phản đối đề xuất cải cách, theo AFP. Cuộc trưng cầu dân ý chỉ thành công nếu có đa số cử tri trên cả nước và đa số cử tri tại 4/6 bang đồng ý. Cả hai điều kiện này được cho là không thành hiện thực sau cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Anthony Albanese đã bày tỏ sự thất vọng với kết quả này. Ông là người vận động cho phe "đồng ý", kêu gọi đất nước đứng cùng nhau "trên tinh thần đoàn kết và hàn gắn". Nhà lãnh đạo gọi thất bại này là gánh nặng rất khó để gồng gánh đối với đại đa số người thổ dân Úc.
Bộ trưởng Người Úc bản xứ Linda Burney, người phụ nữ thổ dân đầu tiên đắc cử vào hạ viện, nói rằng "hôm nay là ngày buồn".
Người bản xứ Úc chiếm 3,8% trong 26 triệu dân nước này. Họ sinh sống tại vùng đất này trong khoảng 60.000 năm nhưng không được nhắc đến trong hiến pháp và là nhóm người yếu thế nhất tại quốc gia nam Thái Bình Dương, theo Reuters.
Những người ủng hộ cải cách cho rằng việc bổ sung tiếng nói của người bản xứ vào hiến pháp sẽ giúp đoàn kết đất nước. Nhiều người bản xứ ủng hộ thay đổi nhưng một số cho rằng việc này làm phân tán khỏi những thay đổi thực tiễn và tích cực. Trong khi đó, phe đối lập Úc chỉ trích việc thay đổi, cho rằng nó gây chia rẽ, không hiệu quả và sẽ làm chậm khả năng ra quyết định của chính phủ.
Bình luận (0)