Hãng AFP ngày 29.1 đưa tin các nhà khoa học Úc vừa tái tạo thành công vi rút gây viêm phổi Vũ Hán, một bước tiến hứa hẹn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người đang lây lan tại Trung Quốc và nhiều nước.
Viện Doherty ở Melbourne tạo vi rút corona mới (2019-nCoV) trên tế bào nuôi cấy từ bệnh phẩm, lần đầu tiên vi rút được nhân bản bên ngoài Trung Quốc.
“Việc sở hữu vi rút có nghĩa là chúng ta giờ đây có khả năng xác nhận tính hiệu quả của mọi phương pháp xét nghiệm, cũng như so sánh tính nhạy cảm và đặc trưng của chúng. Đó là một thay đổi lớn cho việc chẩn đoán”, theo chuyên gia Julian Druce tại Viện Doherty.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc nhanh chóng giải trình tự gien của vi rút corona và công khai, giúp các nhà khoa học trên thế giới phát triển các công cụ chẩn đoán, trái với trường hợp dịch SARS vào năm 2002-2003.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chia sẻ vi rút với các phòng thí nghiệm trên thế giới, trong khi phòng thí nghiệm ở Úc chuẩn bị chia sẻ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Mike Catton, phó giám đốc Viện Doherty, cho biết phát hiện mới giúp các nhà khoa học có thể tạo ra xét nghiệm kháng thể, giúp phát hiện vi rút corona ở bệnh nhân chưa có dấu hiệu phát bệnh.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhờ đó có thể đánh giá tính hiệu quả của các vắc xin khi thử nghiệm. Hiện nhiều nước, trường đại học, tập đoàn dược phẩm trên thế giới đang gấp rút phát triển vắc xin phòng vi rút corona mới, dù quá trình này có thể mất nhiều tháng.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tổng số ca nghi nhiễm tính đến hết ngày 28.1 là 9.239.
Bình luận (0)