Ukraine chi thêm 13,5 tỉ USD trả lương quân đội và mua UAV

14/03/2023 11:47 GMT+7

Ngân sách quốc phòng tăng thêm 13,5 tỉ USD chủ yếu nhằm giúp Ukraine trả lương quân đội và đầu tư thêm máy bay không người lái (UAV).

Ukraine chi thêm 13,5 tỉ USD cho lương quân đội và mua UAV - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine diễn tập sử dụng máy bay không người lái (UAV) tại tỉnh Zaporizhzhia hôm 8.3

REUTERS

Trang Kyiv Independent ngày 14.3 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định chi thêm 13,5 tỉ USD cho lĩnh vực quốc phòng, trong đó có lương quân đội và chi phí cho máy bay không người lái (UAV).

Phát biểu vào tối 13.3, nhà lãnh đạo cho biết thêm rằng 170.000 km2 lãnh thổ của Ukraine vẫn nguy hiểm do bom mìn Nga chưa nổ. Cơ quan khẩn cấp đang nỗ lực tháo gỡ bom mìn hằng ngày khắp Ukraine.

Ukraine chi thêm 13,5 tỉ USD trả lương quân đội, mua UAV

Trước đó hồi tháng 12.2022, ông cho rằng đó sẽ là hậu quả mà Ukraine phải giải quyết trong nhiều năm. Tại Kherson và Kharkiv, có nhiều trường hợp người dân thương vong do bom mìn.

Hôm 10.3, 2 người thiệt mạng và người khác bị thương tại làng Ishchenka tại tỉnh Kherson. Một người dân 63 tuổi tại làng Snizhkivka ở tỉnh Kharkiv cũng bị thương hôm 7.3 do mìn nổ.

Trong một diễn biến khác, hãng TASS ngày 14.3 đưa tin Liên minh châu Âu gia hạn thêm 6 tháng về cấm vận đối với 1.473 công dân và 205 tổ chức pháp lý Nga. Theo đó, các lệnh cấm vận sẽ kéo dài đến ngày 15.9.2023.

EU bắt đầu lập danh sách đen đối với Nga từ tháng 3.2014 và gia hạn sau mỗi 6 tháng. Tất cả những công dân Nga liên quan bị cấm nhập cảnh vào EU, tài sản tài chính của họ ở EU bị phong tỏa. Ngoài ra, các doanh nghiệp châu Âu bị cấm duy trì liên lạc với họ.

Thị trường dầu khí

Liên quan thị trường nhiên liệu, TASS dẫn lời chuyên gia độc lập Alexander Sobko cho rằng nếu Nga thực sự muốn tăng cung ứng khí thiên nhiên cho châu Âu thì cần làm trong vài năm tới.

Theo ông, nếu tiếp tục với lượng cung cấp hiện nay, ước tính tối đa Nga sẽ xuất khẩu 30 tỉ m3 khí qua đường ống đến châu Âu trong năm nay thông qua hành lang Ukraine và theo nhánh thứ 2 của đường ống Turk Stream.

Mỹ nêu thêm cách trừng phạt giới tài phiệt Nga

Điều đó có nghĩa là xuất khẩu khí của Nga sang châu Âu, trừ Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ giảm nhiều lần trong năm nay.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, xuất khẩu dầu thô từ Nga sang nước này trong tháng 1 giảm đến 99,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 1, Đức nhập khẩu 3.500 tấn dầu Nga, so với 2,8 triệu tấn trong tháng 1.2022. Để thay thế nguồn cung từ Nga, Đức đã tăng nhập khẩu từ Na Uy (tăng 44%), Anh (tăng 42%) và Kazakhstan (tăng 34,6%). Lệnh cấm vận của EU về nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển có hiệu lực vào ngày 5.12.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.