Trong khi giới phân tích quân sự cho rằng Ukraine sẽ phản công trong vài tuần tới, có thể là vào giữa tháng 5 nếu thời tiết thuận lợi, hoặc chậm hơn là đầu tháng 6, các lực lượng của Kyiv được cho là đang cùng lúc thực hiện nhiều chiến lược để đánh lừa quân Nga.
Chiến lược giữ im lặng của Ukraine
Theo đài CNN, Kyiv dường như ngày càng kín tiếng hơn về hoạt động quân sự. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuần trước nhấn mạnh rằng thông tin về các cuộc phản công sẽ không được công bố. Hiện các phóng viên cũng bị hạn chế tiếp cận các tiền tuyến chính.
Phản công Ukraine 'giương đông, kích tây'?
Bộ Tư lệnh miền Nam Ukraine cũng kêu gọi “kiên nhẫn” trước thông tin về đợt phản công. “Các điều kiện của hoạt động quân sự đòi hỏi thông tin phải được giữ kín cho đến khi nó đủ an toàn cho quân đội”, người phát ngôn Natalia Humeniuk nói.
Các tính toán nói trên được cho là hợp lý trong thời chiến. Tuy nhiên, theo CNN, việc các lực lượng của Kyiv im lặng ở toàn bộ tỉnh Zaporizhzhia trong suốt 10 ngày qua là một điều đáng ngờ.
CNN dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu bất thường bởi Zaporizhzhia được dự đoán là mặt trận phản công của Ukraine. Chỉ khi giành lại được tỉnh này, Kyiv mới có thể chia cắt bán đảo Crimea (Moscow tuyên bố sáp nhập từ Ukraine năm 2014) với đất liền Nga.
Xét về ý nghĩa chiến lược lớn hơn, việc giành lại Zaporizhzhia, vốn nằm ở trung tâm "hành lang trên bộ" nối từ lãnh thổ Nga, đi qua 4 vùng ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập nhưng bị Kyiv lên án (Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson) để đến bán đảo Crimea, sẽ tạo điều kiện cho Kyiv giành lại những lãnh thổ Moscow đang kiểm soát.
Nga cảnh báo Ukraine về hậu quả nặng nề nếu phản công
Theo trang Politico, Nga cũng hiểu được ý nghĩa chiến lược của Zaporizhzhia. Các hình ảnh vệ tinh và thông tin từ các chỉ huy Ukraine cho thấy Nga đã củng cố các lực lượng và xây dựng hệ thống phòng thủ ở tỉnh này trong những tuần gần đây. Ngoài ra, Moscow cũng đẩy mạnh hoạt động phòng thủ ở khu vực phía bắc Crimea trong nhiều tháng qua.
Giương đông, kích tây?
Theo Politico, các động thái mới cho thấy Ukraine có thể đang tiến hành một chiến dịch song song nhằm đánh lạc hướng quân Nga.
Những ngày gần đây, Ukraine tập trung vào chiến trường Donbass phía đông (gồm Donetsk và Luhansk). Trong đó, giao tranh ác liệt nhất diễn ra ở TP.Bakhmut (Donetsk) bất chấp việc phương Tây kêu gọi Kyiv nên rút khỏi một thành phố vốn đã tan hoang sau nhiều tháng hứng chịu pháo kích từ cả hai bên, nhằm bảo vệ quân số cho Ukraine.
Tuy nhiên, theo Politico, đây có thể là chiêu thức "giương đông, kích tây" của Ukraine nhằm giữ chân và tiêu hao lực lượng Nga càng nhiều càng tốt. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lập luận rằng điều cần thiết lúc này là “gây thiệt hại tối đa có thể cho Nga” nhằm tạo điều kiện cho cuộc phản công sắp tới, vào bất cứ khi nào có thể.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng gây nhiễu thông tin về "một cuộc phản công lớn duy nhất" của Ukraine. Trước đó đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Ukraine sẽ dồn toàn lực vào một cuộc phản công Nga.
Trên Telegram, bà nói rằng "một cuộc phản công là không đúng". Theo bà, đây là "một tổ hợp lớn các hành động và biện pháp được lực lượng vũ trang thực hiện".
Nga lập tuyến phòng thủ sâu trong lãnh thổ vì e ngại Ukraine phản công?
Bà nói thêm rằng lực lượng vũ trang "không chỉ chuẩn bị một thứ, chỉ một thời điểm cụ thể hoặc chỉ theo một hướng cụ thể", thay vào đó là toàn bộ tổ hợp các biện pháp phòng thủ và phản công mỗi ngày.
Politico dẫn nhận định của giới phân tích quân sự đồng ý rằng rất có thể Ukraine sẽ tung ra một đòn tấn công lớn và một đòn nhử, vì nước này không có đủ xe tăng và thiết giáp để phản công theo nhiều hướng.
Thời điểm then chốt của Ukraine
Ukraine cần phải đạt được nhiều thành công trong khoảng thời gian này. Nếu không, mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ sẽ ngày càng xa tầm với. Theo CNN, Ukraine phải phản công thành công, hoặc ít nhất đạt một số thành tựu để làm các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hài lòng.
Kể từ những ngày đầu xung đột, NATO đã đoàn kết hỗ trợ Ukraine, bất chấp sự phản đối từ người dân trong nước và nguy cơ đẩy nền kinh tế các nước này đến bờ vực khủng hoảng sau hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga.
Nếu như Ukraine không chứng minh được hiệu quả chiến đấu, mức hỗ trợ của phương Tây trong thời gian tới sẽ giảm và ảnh hưởng đến bất kỳ kế hoạch quân sự tiềm năng nào trong tương lai.
Bình luận (0)