Trong vòng 2 ngày (5 - 6.12), 3 căn cứ không quân trên lãnh thổ Nga đã bị tấn công. Hai trong số đó, căn cứ Engels ở vùng Saratov và căn cứ Dyagilevo ở vùng Ryazan, đều cách biên giới Ukraine hàng trăm cây số (Ryazan chỉ cách Moscow vài giờ lái xe). Đáng chú ý, sân bay Engels là đại bản doanh của lực lượng máy bay ném bom chiến lược mà Nga sở hữu.
Khói bốc lên từ sân bay ở thành phố Kursk, một trong 3 căn cứ không quân bị tấn công tại Nga, ngày 6.12 |
WSJ |
Chọc thủng phòng tuyến
Chính phủ Ukraine không chính thức thừa nhận đứng sau các vụ tấn công. Song trả lời báo The Washington Post ngày 6.12, một quan chức cấp cao của Ukraine xác nhận cả 3 vụ đều do lực lượng Ukraine thực hiện, sử dụng máy bay không người lái. Theo Bộ Quốc phòng Nga, 2 vụ tấn công ngày 5.12 sử dụng máy bay không người lái từ thời Liên Xô.
Ukraine cảnh cáo: Nước Nga sẽ không còn an toàn |
Tờ Financial Times ngày 7.12 dẫn lời một cố vấn quốc phòng của chính phủ Ukraine cho biết nước này có thể thực hiện nhiều vụ tấn công tương tự mà không gặp “giới hạn về khoảng cách”, cũng như sẽ sớm có thể bắn trúng mọi mục tiêu trên lãnh thổ Nga. “Chúng tôi biết việc chống lại các cuộc không kích kiểu này khó khăn như thế nào. Chẳng bao lâu nữa Nga cũng sẽ không có vùng an toàn”, quan chức này nói.
Trong suốt nhiều tháng, Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa giúp lực lượng Kyiv tấn công các căn cứ quân sự Nga cách xa tiền tuyến. Tuần này, Kyiv đã cho thấy họ không cần đến vũ khí của phương Tây mà vẫn có thể tiến hành các vụ tấn công như vậy. Theo báo The New York Times, điều này báo hiệu chiến sự sắp bước sang một giai đoạn táo bạo hơn khi Ukraine vừa cho thấy khả năng quân sự vừa thể hiện tinh thần không sợ bị trả đũa.
Các vụ tấn công cũng khiến hàng triệu người Nga lần đầu tiên cảm thấy rằng họ cũng rất dễ bị tổn thương ngay trên đất của mình. Ukraine đã chọc thủng hệ thống phòng không của Nga để tấn công các căn cứ chiến lược trước đây được coi là bất khả xâm phạm. “Về mặt tâm lý, đây là một đòn giáng mạnh”, một quan chức phương Tây nhận định.
Tổng thống Putin: Chiến dịch ở Ukraine có thể kéo dài, Nga 'không điên' với vũ khí hạt nhân |
Phản ứng của Mỹ
Mặc dù các cuộc tấn công dường như không làm suy giảm đáng kể năng lực quân sự của Moscow, việc Ukraine quyết tâm tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga có thể đặt ra thách thức cho các nước phương Tây vốn không muốn bị lôi vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6.12 nói Washington không khuyến khích cũng như không tạo điều kiện để Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga, dù tái khẳng định quyết tâm hỗ trợ Kyiv về quân sự, theo Reuters. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày nói: “Chúng tôi không làm việc để ngăn cản Ukraine phát triển năng lực của chính họ”.
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng khả năng Moscow leo thang sau các vụ tấn công vừa qua là rất thấp, nếu không nói đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Robin Niblett, cựu Giám đốc Chatham House (tổ chức nghiên cứu tại Anh), lý do là Nga vốn đã leo thang trong những tháng qua khi tìm cách làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Loại UAV phản lực Ukraine dùng để tấn công sâu trong đất Nga có gốc gác từ đâu? |
Mỹ đánh giá năng lực dự trữ đạn dược
Quân đội Mỹ đang nghiên cứu tỷ lệ đạn dược được sử dụng ở Ukraine để đảm bảo Lầu Năm Góc tính toán chính xác số lượng mà họ sẽ cần trong trường hợp có bất kỳ xung đột hoặc chiến dịch quân sự nào trong tương lai.
“Chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu, một phân tích ngay lúc này, để đảm bảo rằng với các kế hoạch chiến tranh, kế hoạch dự phòng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, chúng tôi đã tính toán đúng, ước tính đúng”, Reuters dẫn lời tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phát biểu trong sự kiện ngày 6.12. Ông cũng nói Mỹ sẽ sẵn sàng có “hành động khắc phục” trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng để đảm bảo dự trữ đạn dược được duy trì ở mức độ thích hợp.
Bình luận (0)