Quả bom lượn khổng lồ FAB-3000 M-54 đã bắt đầu được sử dụng thường xuyên từ tháng 6.2024. Các chuyên gia về chiến tranh và không quân cho biết Ukraine có rất ít phương tiện để đánh bại được mối đe dọa này.
Hai lựa chọn nổi bật hiện bao gồm triển khai các hệ thống phòng không tốt nhất đến gần tiền tuyến hơn để bắn hạ máy bay Nga, và sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các căn cứ không quân Nga, nơi máy bay mang bom lượn xuất kích.
Bom lượn của Nga đã gây ra vấn đề cho Ukraine trong phần lớn cuộc xung đột. Tuy nhiên mật độ sử dụng bom lượn đã tăng đáng kể trong năm nay, đặc biệt là xung quanh khu vực Kharkiv ở đông bắc Ukraine.
Và theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), việc triển khai bom lượn 3 tấn FAB-3000 là một “bước phát triển đáng kể” có thể gây ra những tác động tàn phá đối với các vị trí phòng thủ của Ukraine.
Đối với Ukraine, việc đánh bại quả bom này không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Ông Justin Bronk, một chuyên gia tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết Nga đã cải tiến các bộ bom lượn để có khả năng chống nhiễu GPS cao.
Sau khi được thả từ máy bay, bom lượn có thời gian bay ngắn, tạo tín hiệu radar nhỏ và không di chuyển theo quỹ đạo đạn đạo. Những đặc điểm này khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn.
Ukraine không thể lãng phí kho tên lửa phòng không ít ỏi của mình để cố gắng bắn hạ bom lượn trên không. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của nước này là bắn hạ máy bay trước khi chúng thả bom.
Muốn vậy, Ukraine phải phá hủy máy bay Nga đang đậu trên mặt đất, hoặc bắn hạ trên không trước khi chúng kịp thả bom lượn.
Khoảnh khắc loạt hệ thống Patriot Mỹ tại Ukraine bị tên lửa Nga hủy diệt
Để đánh chặn máy bay trên không, Kyiv sẽ phải đưa các hệ thống phòng không tiên tiến nhất của mình đến gần tiền tuyến hơn. Trong đó, tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất là hệ thống tốt nhất cho nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, đây lại là loại vũ khí quá giá trị đối với Ukraine, nên việc đưa Patriot đến gần tiền tuyến là một canh bạc lớn, trước nguy cơ bị Nga tấn công hủy diệt. Trong những tháng gần đây, Nga đã tung ra hình ảnh của một số vụ tấn công vào các mục tiêu được cho là xe phóng Patriot của Ukraine gần tiền tuyến.
Vì vậy, nhà nghiên cứu George Barros của viện ISW cho biết quân đội Ukraine cũng phải có khả năng tấn công tầm xa để phá hủy các loại vũ khí Nga có khả năng đe dọa Patriot.
Lựa chọn còn lại đối với Ukraine là cố gắng tấn công các căn cứ không quân bên trong lãnh thổ Nga, nơi các máy bay chiến đấu Su-34 mang theo FAB-3000 cất cánh.
Ukraine làm được điều này ở một mức độ nhất định bằng cách sử dụng máy bay không người lái tầm xa. Ukraine có thể tấn công mạnh hơn nữa, nhưng lại đang gặp cản trở vì các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công bên trong nước Nga.
Cụ thể, Mỹ chưa cho phép lực lượng Kyiv sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn đến 300km để tấn công các căn cứ không quân của Moscow.
Ông Bronk giải thích rằng nếu Ukraine có thể dùng ATACMS tấn công sân bay Nga, máy bay Nga sẽ buộc phải cất cánh từ các căn cứ xa hơn và vì vậy hiệu quả tấn công sẽ giảm sút.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa như ATACMS để tấn công bên trong nước Nga, với lập luận rằng cần làm như vậy để giảm thiểu mối đe dọa của bom lượn.
Khi FAB-3000 trở nên phổ biến hơn trên chiến trường, lời kêu gọi của ông Zelensky ngày càng trở nên khẩn thiết. Ông cho rằng Ukraine cần có khả năng “phá hủy các phương tiện mang bom này — chính là máy bay quân sự Nga — bất kể chúng ở đâu”.
Bình luận (0)