Ukraine - Nga vừa đàm vừa đánh

17/03/2022 07:05 GMT+7

Những dấu hiệu về việc thỏa hiệp đang dần được các bên liên quan trong khủng hoảng Ukraine ghi nhận, bất chấp chiến sự vẫn diễn ra.

Tố cáo lẫn nhau

Hôm qua 16.3, cả Nga và Ukraine vẫn tiếp tục tố cáo qua lại về các cuộc tấn công ở vùng do hai bên kiểm soát. Lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk cho biết Ukraine nã pháo vào vùng Donbass và một tòa chung cư tại TP.Vasilievka ở miền nam làm 2 dân thường thiệt mạng, theo Hãng tin Sputnik.

Đội cứu hỏa dập lửa tại một tòa nhà bị nã pháo ở Kyiv

Reuters

Phía Ukraine thông báo một tòa chung cư 12 tầng ở Kyiv bị nã pháo vào rạng sáng trong khi TP.Kharkiv bị tấn công trong đêm làm 2 người thiệt mạng. Các bên lâu nay vẫn tuyên bố không tấn công các mục tiêu dân sự. Reuters dẫn lời Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho hay nước này đang thực hiện một số đợt phản công ở nhiều mặt trận và binh sĩ Nga chưa thể tiến thêm vì thiếu nguồn lực.

Ukraine cáo buộc Nga còn tấn công TP.Zaporizhzhia, nơi lánh nạn của hàng ngàn người từ Mariupol chạy sang. Ước tính khoảng 20.000 người đã rời khỏi Mariupol qua hành lang nhân đạo mà hai bên đạt được. Trong khi đó, hơn 3 triệu người đã rời khỏi Ukraine sang các nước khác từ khi chiến sự bắt đầu vào ngày 24.2, theo LHQ.

Xem nhanh: Sau 3 tuần, tình hình Nga-Ukraine xuất hiện dấu hiệu nhượng bộ trong đàm phán

Trong khi đó, việc đàm phán giữa Ukraine và Nga vẫn được duy trì. Quan chức Mykhailo Podoliak của đoàn đàm phán Ukraine nhận xét rằng chắc chắn có cơ sở cho sự thỏa hiệp, tuy có những “mâu thuẫn nền tảng” trong quá trình đối thoại. Trong bài phát biểu rạng sáng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã nhận thấy “những quan điểm thực tế hơn” trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, ông Zelensky thừa nhận thực tế rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO nhưng nhấn mạnh Kyiv sẽ tìm cách đạt được những cam kết an ninh từ các bên liên quan nhằm bảo vệ sự độc lập.

Trong chuyến thăm Kyiv ngày 15.3, thủ tướng các nước Ba Lan, CH Czech và Slovenia tuyên bố Ukraine “không đơn độc”, thậm chí có đề xuất đưa lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến.

Mô hình phi quân sự

Nhận định về tiến trình đàm phán, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng tuy còn khó khăn nhưng đã có một chút hy vọng về sự thỏa hiệp. Những vấn đề đang được bàn bạc gồm tình trạng trung lập của Ukraine kèm theo sự cam kết an ninh, quyền của người nói tiếng Nga tại Ukraine, an ninh cho người dân ở miền đông. Bên cạnh đó, ông Lavrov còn nêu điều kiện là không có sự hiện diện của vũ khí nguy hiểm tại Ukraine, ngay cả khi nước này không gia nhập NATO.

NATO lên kế hoạch tăng quân cho cánh đông

NATO dự kiến sẽ chuẩn bị kế hoạch mới nhằm đề phòng mối đe dọa an ninh ở cánh đông của khối, gồm việc tăng cường thêm binh sĩ và hệ thống phòng thủ tên lửa, theo The Guardian. Tuy ít nhất 10 thành viên lớn nhất của NATO đã triển khai khí tài và binh sĩ đến sườn đông và đặt một lực lượng khác trong tình trạng sẵn sàng, liên minh này vẫn đang cân nhắc điều chỉnh kế hoạch trước tình hình an ninh mới tại châu Âu trong trung hạn. Quốc hội Slovakia mới đây cũng phê chuẩn việc cho phép NATO triển khai thêm 2.100 binh sĩ tại nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ các bên đang xem xét khả năng về một Ukraine phi quân sự, trung lập, nhưng có quân đội như mô hình của Áo hoặc Thụy Điển. Quan chức Podoliak của Ukraine xác nhận nội dung này, nhưng nhấn mạnh mô hình trung lập phải đi kèm thỏa thuận ràng buộc pháp lý của các nước bảo trợ nhằm ngăn trường hợp Ukraine bị tấn công, theo Reuters.

Mỹ tìm cách cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine

Mặt khác, HĐBA LHQ dự kiến bỏ phiếu về nghị quyết của Nga, bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại và quanh Ukraine. Trước đó, Pháp và Mexico soạn nghị quyết kêu gọi “chấm dứt thù địch” tại Ukraine, nhưng lo ngại bị Nga phủ quyết nên chọn cách trình lên Đại hội đồng LHQ. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tuyên bố nước này sẽ tự soạn thảo nghị quyết, trong đó còn bày tỏ lo ngại về những báo cáo có dân thường thương vong, theo AFP. Nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường, gồm nhân viên nhân đạo, tại những vùng có nguy cơ. Nghị quyết sẽ được thông qua nếu được 9/15 thành viên HĐBA phê chuẩn và không có thành viên thường trực nào phủ quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.