Kể từ khi khởi động vào tháng 6, chiến dịch phản công của Ukraine đã được giới chức Washington và Kyiv thừa nhận là tiến triển chậm chạp. Khi tấn công qua các bãi mìn của Nga mà không có yểm trợ từ trên không, nhiều xe tăng và xe bọc thép do phương Tây cung cấp của Ukraine đã bị Nga tiêu diệt. Một số đánh giá từ phương Tây cho rằng Ukraine đã mất đến 20% phương tiện bọc thép do phương Tây cung cấp trong vài tuần đầu của cuộc phản công. Moscow ước tính cuộc phản công đã khiến Kyiv thiệt hại ít nhất 30.000 người.
Đi đầu trong cuộc tấn công là 9 lữ đoàn do NATO huấn luyện của Ukraine, một trong số đó - Lữ đoàn cơ giới 47 - được cho là đã mất 30% số xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất trong vòng 2 tuần.
The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập cho hay trước những tổn thất này, các chỉ huy quân sự Ukraine đã "thay đổi chiến thuật, tập trung mài mòn lực lượng Nga bằng pháo và tên lửa tầm xa thay vì lao vào các bãi mìn dưới làn đạn.
Bài báo nhận xét rằng sau thời gian huấn luyện hạn chế, người Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các chiến thuật hợp đồng chiến đấu tiêu chuẩn của NATO. Bài báo dẫn một số ví dụ khi một đơn vị Ukraine đi lạc vào bãi mìn, hoặc khi đơn vị bộ binh không tiến lên kịp thời sau đợt pháo phủ đầu vào phòng tuyến Nga, giúp cho quân Nga có đủ thời gian chuẩn bị phản công.
Giới hoạch định quân sự Mỹ đã bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine ứng dụng chiến tranh vận động nhằm tiết kiệm đạn dược. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin giải thích rằng: "Khi họ chú trọng nhiều hơn vào vận động... nhiều khả năng cao là họ sẽ cần ít đạn hơn".
Học thuyết quân sự của NATO thường giả định rằng chiến tranh vận động sẽ được tiến hành sau khi các lực lượng phương Tây đã thiết lập được ưu thế trên không. Tuy nhiên, Ukraine đã phát động cuộc phản công mà thiếu yếu tố quan trọng này. Dù vậy, theo tạp chí Foreign Affairs, giới chức phương Tây vẫn cho rằng phương pháp của NATO là "lợi thế ngầm" giúp các lực lượng Ukraine có độ linh hoạt và nhanh nhẹn cần thiết để vượt qua cuộc chiến tiêu hao của Nga và giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Thực tế phản công chưa cho thấy điều này, làm "dấy lên câu hỏi về chất lượng huấn luyện mà người Ukraine nhận được từ phương Tây, và liệu số vũ khí trị giá hàng chục tỉ USD... có thành công trong việc biến quân đội Ukraine thành một lực lượng chiến đấu tiêu chuẩn NATO hay không", báo The New York Times bình luận như vậy.
Với việc quân đội Ukraine dường như đang quay trở lại phong cách chiến đấu dựa vào pháo binh, vấn đề đạn dược có thể sẽ lấy lại tính cấp bách. Mỹ đã tiêu hao kho dự trữ đến mức phải gửi đạn chùm thay vì đạn 155 mm. Báo New York TImes cho rằng khi Ukraine vẫn tiếp tục phải sử dụng liên tục kho đạn hạn chế của mình, nước này có nguy cơ gặp bất lợi trong cuộc chiến tiêu hao với Nga.
Bình luận (0)