Ukraine nhử tên lửa Nga bằng vật nghi trang hệ thống rốc két Mỹ

31/08/2022 14:15 GMT+7

Một số quan chức Mỹ và Ukraine mới đây tiết lộ những mô hình nghi trang hệ thống rốc két tiên tiến HIMARS của Mỹ đã lừa lực lượng Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa đắt tiền vào các mục tiêu giả.

Những mô hình nghi trang nói trên được lực lượng Ukraine làm bằng gỗ và trông rất giống với dàn pháo thật qua lăng kính của các máy bay không người lái (UAV) của Nga, vốn truyền thông tin về nơi có dàn pháo của đối phương cho các tàu phóng tên lửa hành trình Nga ở biển Đen, theo tờ The Washington Post ngày 30.8.

“Khi các UAV thấy dàn pháo (giả), xem đó là mục tiêu quan trọng”, một quan chức Ukraine nói. Vị quan chức cho biết thêm sau vài tuần được đưa vào sử dụng, các dàn pháo giả đã thu hút ít nhất 10 tên lửa hành trình Kalibr của lực lượng Nga. Thành công bước đầu này đã thúc Ukraine mở rộng việc sản xuất các dàn pháo giả.

Chiến thuật bất đối xứng

Việc sử dụng mô hình nghi trang hệ thống rốc két là trong những chiến thuật bất đối xứng mà lực lượng Ukraine đã và đang áp dụng để chống lại lực lượng Nga lớn và được trang bị tốt hơn. Trong những tuần gần đây, lực lượng Ukraine đã cho nổ tung một số đường dây điện, đường sắt ở khu vực do lực lượng Nga kiểm soát, kích hoạt chất nổ ở bên trong các kho vũ khí thuộc lực lượng Nga.

Việc phá hủy các hệ thống pháo giả do Ukraine tạo ra có thể nằm trong phần đánh giá của Nga về thiệt hại trên chiến trường liên quan vũ khí phương Tây cung cấp cho Kyiv, đặc biệt là hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS). “Họ tuyên bố đã phá hủy HIMARS nhiều hơn số lượng chúng ta gửi đi”, một quan chức Mỹ nói.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho hay với tầm bắn gần 80 km, HIMARS được cho là đã cản đà tiến quân của lực lượng Nga ở miền đông và nam Ukraine. Lực lượng Ukraine dùng HIMARS tấn công hàng trăm mục tiêu thuộc lực lượng Nga, trong đó có các tuyến tiếp tế, kho vũ khí và trung tâm hậu cần.

Một quân nhân Ukraine được nhìn thấy với HIMARS trong tháng 7

Chụp Màn Hình The Washington POST

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh tướng lĩnh ưu tiên phá hủy các vũ khí tầm xa do phương Tây cấp cho Ukraine sau khi lực lượng Ukraine dùng loại vũ khí này tấn công các tuyến tiếp tế của lực lượng Nga. Gần như mỗi tuần sau đó, Bộ trưởng Shoigu và một số quan chức quốc phòng Nga khác công bố những cuộc tấn công thành công nhắm vào hệ thống rốc két do phương Tây cung cấp cho Kyiv, trong đó có HIMARS.

Quyền phát ngôn viên Lầu Năm Góc Todd Breasseale trong tháng này đã bác bỏ tuyên bố phá hủy HIMARS của Nga, khẳng định lực lượng Ukraine đang sử dụng hệ thống vũ khí này một cách hiệu quả và chính xác.

Lầu Năm Góc cho hay đã cung cấp 16 bệ phóng HIMARS cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2. Các đồng minh của Mỹ cũng đã cung cấp hệ thống rốc két phóng loạt M270 có chức năng tương tự, theo The Washington Post.

Lợi thế chiến trường tăng gấp đôi

Giới phân tích quân sự cho rằng việc sử dụng mồi nhử như trên đang mang lại lợi thế trên chiến trường gấp hai lần cho lực lượng Ukraine. Trong một cuộc xung đột kéo dài như hiện nay, việc tìm cách làm cạn kiệt kho rốc két và tên lửa lớn hơn của Nga có ý nghĩa rất quan trọng đối với quân đội nhỏ hơn của Ukraine.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng kho dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đã cạn kiệt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với vi mạch đang khiến Nga “khó khăn hơn rất nhiều” trong việc bổ sung loại vũ khí này, theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl.

“Một tên lửa Kalibr được phóng vào một mục tiêu HIMARS giả trên thực địa là một tên lửa không thể được sử dụng để chống lại một thành phố của Ukraine”, ông Rob Lee, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), bình luận.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS có đối thủ nào từ Nga?

Một lợi thế khác của mồi nhử là thứ đó có thể buộc người Nga phải đề phòng và di chuyển kho đạn cũng như các chốt chỉ huy và kiểm soát của họ ra xa tiền tuyến, ngoài tầm bắn ước tính ​​của HIMARS. “Việc tái tổ chức như vậy sẽ làm suy giảm khả năng nã pháo hàng loạt của người Nga, một chiến thuật mà họ đã dựa vào để tìm kiếm lợi thế ở miền đông Ukraine”, nhà phân tích George Barros thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) nhận định.

Tuy nhiên, những thách thức đầy khó khăn đối với quân đội Ukraine vẫn còn ở phía trước. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của nước này từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu quân, trong một động thái mà các nhà phân tích cho là thể hiện quyết tâm tiếp tục chiến đấu, theo The Washington Post.

Xem thêm các diễn biến liên quan chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.